Một trong những nội dung quan trọng đã được Ủy ban Tài chính – Ngân sách (TCNS) và Cơ quan soạn thảo tiếp thu có liên quan đến các khoản nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Theo quy định, các khoản DNNN vay lại và các khoản vay của DNNN được Chính phủ bảo lãnh đã được tính trong phạm vi nợ công; các khoản vay theo cơ chế tự vay, tự trả thuộc quyền tự chủ của doanh nghiệp, được điều chỉnh theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp. Trong trường hợp DNNN không đủ khả năng trả nợ thì thực hiện thủ tục phá sản theo quy định như các loại hình doanh nghiệp khác, bảo đảm bình đẳng, tuân thủ nghiêm các quy định hiện hành về quản lý, sử dụng vốn tại doanh nghiệp.
Cụ thể, Điều 23 của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và Điều 20 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP quy định: “DNNN sử dụng vốn vay đúng mục đích, tự chịu mọi rủi ro và chịu trách nhiệm trước pháp luật trong quá trình huy động, quản lý, sử dụng vốn vay và trả nợ đúng hạn. Nhà nước không chịu trách nhiệm nghĩa vụ trả nợ đối với các khoản nợ do doanh nghiệp trực tiếp vay, trừ các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh”.
Về giám sát nợ DNNN, Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Nguyễn Đức Hải cho biết, thực hiện nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 5, khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN, Chính phủ đang chỉ đạo hoàn thiện phương án thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Cơ quan này sẽ thực hiện việc quản lý, giám sát đối với vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó có các khoản nợ tự vay, tự trả của DNNN.
Về chỉ tiêu an toàn nợ công, ông Nguyễn Đức Hải giải trình, do phạm vi nợ công không bao gồm các khoản nợ nước ngoài được vay theo phương thức tự vay, tự trả của doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng nên việc quy định các chỉ tiêu này trong dự thảo luật là chưa thực sự phù hợp. Nhiệm vụ quản lý vay, trả nợ, cho vay và thu hồi nợ nước ngoài liên quan đến công tác quản lý ngoại hối và quản lý cán cân thanh toán của nền kinh tế, thuộc phạm vi điều chỉnh và đã được quy định cụ thể trong Pháp lệnh Ngoại hối và Luật NHNNVN .
“Chỉ tiêu mức trả nợ của Chính phủ so với thu NSNN đã được quy định trong dự thảo luật. Do đó, xin UBTVQH cho giữ các chỉ tiêu như dự thảo luật, đồng thời, xin bổ sung quy định về ngưỡng cảnh báo nợ công theo hướng: “Chỉ tiêu an toàn nợ công là hệ thống chỉ tiêu quy định mức trần và ngưỡng cảnh báo về nợ do Quốc hội quyết định”, người đứng đầu Ủy ban TCNS phát biểu.