Báo cáo tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chiều 10-8 về dự án Luật Biên phòng Việt Nam, ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội đề nghị chỉnh lý lại khái niệm “Biên phòng” cho rõ ràng, phù hợp tên Luật và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật.
Theo đó, “Biên phòng là tổng thể các hoạt động bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc”. Luật Biên phòng Việt Nam quy định chính sách, nguyên tắc, nhiệm vụ, lực lượng, hoạt động, bảo đảm, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về biên phòng.
Trong số các nội dung được bổ sung, chỉnh lý lần này có quy định về các hành vi bị nghiêm cấm. Tiếp thu ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội, dự thảo lần này đã được bổ sung quy định hành vi cấm cung cấp, phát tán, chia sẻ dưới mọi hình thức những thông tin, hình ảnh sai lệch về chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia.
Bên cạnh đó, để bảo đảm chặt chẽ, đầy đủ, thống nhất và thuận lợi trong tổ chức thực hiện, dự thảo Luật cũng đã quy định rõ quyền nổ súng của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) vào tàu thuyền trên biển, trên sông biên giới. Cụ thể, ngoài các trường hợp nổ súng quân dụng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng được nổ súng vào tàu thuyền trên biển, trên sông biên giới (trừ tàu thuyền của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế, tàu thuyền có chở người hoặc con tin) sau khi đã cảnh cáo bằng hành động, mệnh lệnh, lời nói hoặc bắn chỉ thiên.
Người nổ súng phải tuân theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền khi thực hiện nhiệm vụ có tổ chức trong các trường hợp: đối tượng điều khiển tàu thuyền đó tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ; biết rõ tàu thuyền chở đối tượng phạm tội chở vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma túy, bảo vật quốc gia cố tình chạy trốn; tàu thuyền có đối tượng đã thực hiện hành vi cướp biển, cướp có vũ trang theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và quy định của pháp luật hình sự về “cố tình chạy trốn”.
Về bảo đảm và chế độ, chính sách về biên phòng, dự thảo Luật quy định cụ thể về việc đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ BĐBP về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, pháp luật, ngoại ngữ, tiếng dân tộc và kiến thức cần thiết khác phù hợp với nhiệm vụ và quyền hạn được giao; bổ sung khoản 3 quy định về khuyến khích phát triển tài năng; ưu tiên nguồn nhân lực là cư dân biên giới, nhất là người dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới để phục vụ lâu dài trong BĐBP. Cụ thể, Điều 25 (khoản 2) có quy định: “Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng được hưởng chính sách ưu đãi và chế độ đặc thù phù hợp với tính chất công tác và địa bàn hoạt động do Chính phủ quy định”.
Một nội dung khác đáng lưu ý trong dự thảo Luật này liên quan đến trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp. Cụ thể, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các địa phương cần “ưu tiên đảm bảo nhà ở, đất ở và các chính sách khác cho cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng công tác lâu dài ở khu vực biên giới”.