Cụ thể, với kịch bản đường sắt mới chỉ vận tải hành khách, cần bổ sung đường sắt hiện hữu cải tạo, nâng cấp, điện khí hóa phù hợp với lộ trình cam kết của Việt Nam tại COP26 để vận tải hàng hóa.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần bổ sung phương án xây dựng mới đường sắt trên trục Bắc - Nam theo tiêu chuẩn đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa dùng chung vận tải hành khách và hàng hóa làm cơ sở để so sánh, lựa chọn.
Về hướng tuyến, Bộ GTVT cơ bản đồng ý giữ nguyên hướng tuyến đã thống nhất với các địa phương. Đối với một số địa phương có ý kiến điều chỉnh, Ban Quản lý dự án đường sắt và đơn vị tư vấn triển khai ngay công tác rà soát và thống nhất với các địa phương. Các đơn vị cũng cần làm việc với các địa phương về phạm vi, vị trí bổ sung các ga hàng hóa đối với kịch bản vận tải chung hành khách và hàng hóa.
Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý dự án đường sắt và tư vấn rà soát, trong trường hợp cần thiết có thể đề xuất một số chuyên gia nước ngoài tham gia dự án để bảo đảm tiến độ, chất lượng lập báo cáo.
Bộ GTVT cũng yêu cầu Viện Chiến lược và phát triển GTVT cập nhật, bổ sung số liệu, kết quả dự báo nhu cầu vận tải cho các kịch bản đầu tư đường sắt trên trục Bắc - Nam cho cả 2 phương án: khai thác khách; khai thác hỗn hợp khách và hàng hóa.
Theo báo cáo tiền khả thi đang được Bộ GTVT tiếp tục hoàn thiện, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đi qua 20 tỉnh, đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, chiều dài 1.545km, tốc độ khai thác tối đa khoảng 320km/giờ, chỉ khai thác vận tải hành khách. Đoàn tàu sử dụng công nghệ động lực phân tán. Tổng mức đầu tư dự kiến toàn bộ dự án khoảng 58,71 tỷ USD, bao gồm: chi phí giải phóng mặt bằng 1,98 tỷ USD, chi phí xây dựng 31,58 tỷ USD, thiết bị 15 tỷ USD...
Tại kết luận về định hướng phát triển đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Bộ Chính trị ban hành, các đoạn đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Vinh và TPHCM - Nha Trang sẽ được ưu tiên khởi công trong giai đoạn 2026-2030, phấn đấu hoàn thành toàn tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trước năm 2045.