Theo giá mua bán hoặc dữ liệu hải quan
Nội dung Thông tư số 60/2019/TT-BTC ghi rõ, vẫn áp dụng 2 phương pháp xác định trị giá hải quan theo quy định cũ là giá bán của hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất và trị giá của hàng hóa xuất khẩu giống hệt, tương tự trong cơ sở dữ liệu trị giá, có nghĩa là dựa trên dữ liệu của ngành hải quan.
Cụ thể, phương pháp xác định giá bán của hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất là giá bán ghi trên hợp đồng mua bán hàng hóa, hoặc hóa đơn thương mại và các khoản chi phí liên quan đến hàng hóa xuất khẩu tính đến cửa khẩu xuất, phù hợp với các chứng từ liên quan nếu các khoản chi phí này chưa bao gồm trong giá bán của hàng hóa. Trường hợp hàng xuất khẩu được giao tại cửa khẩu xuất là giá bán ghi trên hợp đồng mua bán hoặc hóa đơn thương mại và các khoản chi phí liên quan đến hàng hóa xuất khẩu tính đến cửa khẩu xuất, phù hợp với các chứng từ có liên quan nếu các khoản chi phí này chưa bao gồm trong giá bán của hàng hóa.
Phương pháp thứ hai, xác định giá bán của hàng hóa xuất khẩu giống hệt hoặc tương tự tại cơ sở dữ liệu trị giá hải quan. Trị giá hải quan của hàng hóa xuất khẩu theo phương pháp này được xác định từ giá bán của hàng hóa xuất khẩu giống hệt hoặc tương tự tại cơ sở dữ liệu trị giá hải quan, sau khi quy đổi về giá bán của hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất tại thời điểm gần nhất, so với ngày đăng ký tờ khai xuất khẩu của lô hàng đang được xác định trị giá.
Tính theo giá bán tại thị trường
Nếu căn cứ vào hồ sơ hải quan thì thông tin đôi khi vẫn chưa đúng giá trị thật, do vậy thông tư mới bổ sung thêm 2 phương pháp tính nữa. Đó là phương pháp xác định giá bán của hàng hóa giống hệt hoặc tương tự tại thị trường Việt Nam và phương pháp xác định giá bán của hàng hóa xuất khẩu do cơ quan hải quan thu thập, tổng hợp, phân loại.
Theo đó, trị giá hải quan của hàng hóa theo phương pháp này được xác định từ giá bán của hàng hóa giống hệt hoặc tương tự tại thị trường Việt Nam ghi trên hóa đơn bán hàng tại thời điểm gần nhất so với ngày đăng ký tờ khai hải quan xuất khẩu của lô hàng đang được xác định trị giá, cộng với phí vận tải nội địa và các chi phí khác có liên quan để đưa hàng hóa đến cửa khẩu xuất. Giá bán hàng hóa giống hệt hoặc tương tự với hàng xuất khẩu tại thị trường Việt Nam phải được thể hiện trên sổ sách kế toán, chứng từ kế toán và được ghi chép, phản ánh theo quy định của pháp luật về kế toán Việt Nam. Trường hợp có nhiều mức giá bán tại cùng một thời điểm thì lấy mức giá có số lượng bán lũy kế lớn nhất.
Với phương pháp xác định giá bán của hàng hóa xuất khẩu do cơ quan hải quan thu thập, tổng hợp, phân loại thì trị giá hải quan của hàng hóa xuất khẩu được xác định bằng cách sử dụng giá bán hàng hóa tổng hợp từ các nguồn thông tin theo quy định sau khi quy đổi về giá bán đến cửa khẩu xuất của hàng hóa xuất khẩu đang được xác định trị giá hải quan. Trường hợp có nhiều trị giá hải quan, sau khi quy đổi thì sử dụng trị giá hải quan thấp nhất; không sử dụng trị giá hải quan của các lô hàng giống hệt hoặc tương tự có nghi vấn theo quy định.
Trong trường hợp hàng hóa xuất khẩu không có hợp đồng mua bán và không có hóa đơn thương mại, trị giá hải quan đối với hàng xuất khẩu là trị giá khai báo. Khi có căn cứ xác định trị giá khai báo không phù hợp, cơ quan hải quan sẽ định trị giá theo nguyên tắc và phương pháp xác định trị giá hải quan quy định.