Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) quy định về các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân trong hoạt động bảo vệ đối với di sản văn hóa ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
“Di sản văn hóa quy định tại luật này bao gồm di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa vật thể và di sản tư liệu, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ.
Việc sửa đổi, theo Bộ trưởng, tập trung vào 3 nội dung chính.
Một là, hoàn thiện các quy định về nguyên tắc, đối tượng, trình tự, thủ tục kiểm kê, nhận diện, ghi danh, biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở các lĩnh vực di sản văn hóa vật thể (di tích; di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia), di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu và hoạt động bảo tàng.
Hai là, nâng cao hiệu quả tổ chức, hoạt động của các cơ quan trực tiếp quản lý di sản, tăng cường nội dung, trách nhiệm, cơ chế thực hiện phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước về di sản văn hóa từ Trung ương đến địa phương.
Ba là, tăng cường nội dung, cơ chế, chính sách thúc đẩy xã hội hóa và thu hút, nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Qua thảo luận, các ý kiến tại phiên họp tán thành sự cấp thiết của việc sửa đổi luật trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa cần tiến hành song song với xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành để bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội; điều chỉnh, cụ thể hóa được những vấn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Hồ sơ dự án luật được chuẩn bị công phu, đầy đủ tài liệu; nội dung cơ bản thống nhất với các chính sách được đề xuất khi đưa dự án luật vào chương trình.
Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu để nội luật hóa đầy đủ nguyên tắc, quy định, hướng dẫn của UNESCO về đối tượng, loại hình, tên gọi các loại hình di sản văn hóa; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức, cộng đồng, cá nhân đối với di sản văn hóa... Cơ quan soạn thảo cũng cần bổ sung lý lẽ đối với những quy định cấm; quan tâm, đánh giá thêm về nội dung liên quan đến việc “số hóa” di sản; bổ sung, giải thích các khái niệm thuật ngữ chính xác hơn; rà soát quy định ngay trong luật các nội dung đã đã rõ để đảm bảo Luật có hiệu lực trực tiếp.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát thật kỹ nội dung về 3 nhóm chính sách lớn; bên cạnh đó, nghiên cứu thêm các nội dung về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); nguồn nhân lực về tài chính; tình trạng sở hữu của một số di tích được giao cho tư nhân quản lý.