“Trong 6 tháng đầu năm 2019, UBND các quận huyện, phường xã, thị trấn trên địa bàn thành phố đã nhắc nhở hơn 200 trường hợp xả rác ra nơi công cộng và xử phạt gần 1.978 trường hợp vi phạm. Tổng số tiền phạt hơn 1,2 tỷ đồng”, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Nguyễn Thị Thanh Mỹ, thông tin với phóng viên Báo SGGP về kết quả kiểm tra, xử lý những trường hợp xả rác không đúng nơi quy định, qua cuộc vận động người dân không xả rác ra đường, xuống kênh rạch, theo Chỉ thị 19-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM.
PHÓNG VIÊN: Sở TN-MT TPHCM nhận xét gì về kết quả sau 8 tháng thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, nhất là công tác kiểm tra, xử phạt người xả rác bậy của các địa phương?
Bà NGUYỄN THỊ THANH MỸ: Thời gian qua, các địa phương vào cuộc quyết liệt bảo vệ môi trường nơi công cộng và cương quyết kiểm tra, xử lý vi phạm. Một số địa phương còn gắn thiết bị ghi hình tại những nơi có nguy cơ dễ xảy ra đổ rác và sử dụng hình ảnh trích xuất từ camera an ninh để xử phạt.
Nhiều nơi cũng có các giải pháp linh hoạt theo tình hình của địa phương mình. Chẳng hạn, tại huyện Nhà Bè, người dân thành lập đội tự quản để tuyên truyền, tự kiểm soát việc chấp hành pháp luật về giữ gìn vệ sinh nơi công cộng của cộng đồng dân cư, gắn camera tại các khu vực đất trống, công trình đang xây dựng, gầm cầu… để xử lý hành vi xả rác, tiểu tiện. UBND quận 10 thì ứng dụng công nghệ thông tin (app trên điện thoại thông minh) tiếp nhận, xử lý thông tin, phản ảnh của người dân về các vi phạm pháp luật môi trường. Quận này cũng buộc người xả rác, tiểu tiện không đúng nơi quy định, quét dọn khu vực vi phạm.
Mức tiền phạt đối với hành vi vứt rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước mặt trong đô thị hiện rất cao, từ 5-7 triệu đồng (theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP), đảm bảo tính răn đe vi phạm. Vì vậy, sau một thời gian tăng cường tuyên truyền và kiểm tra, xử phạt vi phạm, vệ sinh môi trường nhiều nơi đã cải thiện.
Nhưng số vụ xử phạt so với thực tế vi phạm là rất ít và rác thải vẫn còn ngổn ngang nhiều nơi...
Trên địa bàn thành phố hiện nay vẫn còn tình trạng xả, vứt rác không đúng nơi quy định. Nguyên nhân do công tác quản lý bảo vệ môi trường vẫn còn một số hạn chế. Cùng đó, một bộ phận người dân vẫn chưa quan tâm đúng mức về bảo vệ môi trường và có hành vi vi phạm. Trong khi đó, hành vi xả rác diễn ra tức thời. Người vi phạm thường chọn nơi vắng vẻ, không có thiết bị ghi hình, phương tiện giám sát… để xả rác, gây khó khăn cho việc phát hiện và xử lý vi phạm.
Ngoài ra, quy định xử phạt về bảo vệ môi trường vẫn còn bất cập, gây khó khăn trong việc chế tài các vi phạm. Lực lượng kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính tại UBND phường xã, thị trấn trung bình chỉ một người/phường và phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, khó đảm bảo công tác kiểm tra. Mức phạt tiền (theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP) quá cao nhưng người vi phạm chủ yếu là người bán hàng rong, vé số, người lao động phổ thông… có thu nhập thấp.
5 giải pháp tăng cường hiệu quả xử phạt
Xử phạt nguội qua camera được xem là giải pháp quan trọng để khắc chế nạn đổ trộm rác, nhưng vì sao giải pháp này vẫn chưa phát huy hiệu quả, thậm chí có nơi chỉ gắn camera để “làm kiểng”?
Trước và sau 8 tháng triển khai thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU, TPHCM đã lắp đặt gần 19.060 thùng rác công cộng. Dự kiến trong 3-5 năm tới, thành phố tiếp tục lắp thêm hơn 10.500 thùng rác công cộng bằng nguồn vốn xã hội hóa ở các nơi công cộng như vỉa hè, công viên. |
Tuy nhiên, theo Nghị định 165/2013/NĐ-CP (về quản lý, sử dụng và danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường), chỉ có thanh tra chuyên ngành về bảo vệ môi trường, cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường mới được trang bị, sử dụng thiết bị ghi hình để làm chứng cứ xử phạt hành chính. Quy định này đã gây khó khăn cho các địa phương trong việc phát hiện, xử lý vi phạm.
Sở TN-MT đề xuất 5 giải pháp tăng cường kiểm tra xử phạt vi phạm. Đó là việc cho phép các địa phương sử dụng hình ảnh trích xuất từ camera an ninh lập biên bản vi phạm về vệ sinh nơi công cộng; bổ sung quy định xử phạt đối với các trường hợp đổ, bỏ chất thải rắn xây dựng không đúng quy định. Sở TN-MT cũng đề nghị xây dựng, áp dụng thống nhất cơ chế phối hợp, cung cấp thông tin vi phạm từ người dân và công khai thông tin đối với các trường hợp vi phạm.
Đặc biệt, Sở TN-MT đề xuất và UBND TPHCM đồng ý chủ trương bổ sung thẩm quyền kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính về vệ sinh nơi công cộng cho Đội Quản lý trật tự đô thị và Đội Thanh tra xây dựng địa bàn. Sở TN-MT đang phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp nêu trên. Việc tăng cường thêm lực lượng quản lý trật tự đô thị và thanh tra xây dựng địa bàn sẽ giúp việc kiểm tra, xử phạt vi phạm đối với các hành vi này sẽ thuận lợi hơn.
Đưa lượng rác thải sinh hoạt dân lập vào nền nếpĐể tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị 19-CT/TU, ngành môi trường TPHCM đang tổ chức, sắp xếp lại lực lượng thu gom rác dân lập gắn với chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Mới nhất là việc UBND TPHCM có Quyết định 12/2019 về quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố (có hiệu lực từ ngày 1-6), quy định cụ thể trách nhiệm của người thu gom, vận chuyển, trong đó có cả lực lượng gom rác dân lập. Thành phố cũng sắp xếp, tổ chức lại lực lượng gom rác dân lập, lực lượng rác dân lập đã tham gia, thành lập 27 HTX vệ sinh môi trường, 185 công ty tư nhân thu gom rác. Đối với 1.500 đường dây và tổ thu gom rác chưa có tư cách pháp nhân còn lại, UBND TPHCM cũng yêu cầu, đến hết năm 2019, UBND 24 quận huyện phải hoàn tất chuyển đổi mô hình hoạt động rác dân lập thành HTX hoặc công ty có tư cách pháp nhân. Ngoài ra, TPHCM có các chính sách hỗ trợ (như cho vay 70% giá trị phương tiện trong 7 năm, lãi suất 4,27%/năm) để lực lượng thu gom rác chuyển đổi phương tiện phù hợp. Thời hạn đặt ra là tháng 10-2019 phải hoàn tất chuyển đổi. Các quận huyện đang tập trung tổ chức tiếp xúc, trao đổi và hỗ trợ giải quyết khó khăn phát sinh trong quá trình chuyển đổi. |