Đơn cử tại nút giao thông giữa đường Chiến Thắng với đường Thích Quảng Đức và nút giao thông giữa đường Chiến Thắng với đường Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận), do không có đèn điều khiển giao thông nên mỗi khi xe lửa chạy qua là gần như xảy ra ùn ứ giao thông.
Nếu không có lực lượng dân phòng hoặc các “bác xe ôm” gần đó chủ động đứng ra điều tiết giao thông thì không chỉ ùn ứ mà ùn tắc luôn. Đường Chiến Thắng chạy dọc đường ray xe lửa là đường nhỏ, chỉ xe 2 - 3 bánh lưu thông, song lượng phương tiện qua lại cũng khá nhiều.
Đường Thích Quảng Đức cũng không rộng nhưng lượng xe lưu thông khá lớn, đặc biệt lại không có vỉa hè nên người đi bộ thường phải đi xuống lòng đường. Giao thông phức tạp như vậy mà lại không có đèn tín hiệu điều tiết giao thông quả là khó hiểu?
Khác với đường Thích Quảng Đức, đường Nguyễn Kiệm là một trong những trục giao thông chính nối các quận Phú Nhuận, Gò Vấp, quận 12… về trung tâm thành phố, vậy mà cũng không có đèn giao thông tại nút giao với đường Chiến Thắng.
Hậu quả vào giờ cao điểm, đường Nguyễn Kiệm dù chỉ chạy 1 chiều, song cứ đến gần nút giao với đường Chiến Thắng là “nhích từng bước một”. Gặp xe lửa đi qua, nhiều lúc, ùn ứ kéo dài đến gần ngã tư Phú Nhuận.
Tại TPHCM, giao thông tại nhiều giao lộ nhỏ đã được cải thiện đáng kể khi có đèn tín hiệu giao thông hoạt động. Đơn cử như nút giao giữa đường Nguyễn Hữu Cầu (bên hông chợ Tân Định, quận 1) với đường Hai Bà Trưng (quận 3).
Một thời gian dài trước đây, nút giao thông này thường xuyên xảy ra ùn ứ, thậm chí ùn tắc do không có đèn giao thông. Dòng xe từ Nguyễn Hữu Cầu đi ra “cắt” dòng xe trên đường Hai Bà Trưng… gây xung đột giao thông. Nhưng từ khi nút giao này được lắp đèn tín hiệu, tình hình giao thông được cải thiện rõ rệt…
Đề nghị ngành chức năng sớm khảo sát thực tế để có giải pháp giải quyết tình trạng ùn tắc tại các nút giao thông nhỏ. Bởi lẽ, ùn ứ giao thông tại đây không chỉ gây khó cho người tham gia giao thông mà còn ảnh hưởng đến các nút giao thông gần đó.