Trạm y tế thiếu thuốc
Trạm y tế thị trấn Cần Thạnh (huyện Cần Giờ) có nhiệm vụ khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh cho trên 11.000 nhân khẩu, trong đó trên 1.000 người cao tuổi. “Hiện trạm được cung ứng khoảng 130 loại thuốc, đảm bảo cung cấp ổn định cho bình quân khoảng 80 lượt người bệnh/ngày. Tuy nhiên, trạm luôn gặp khó khăn khi người bệnh đến thăm khám bằng BHYT vì thiếu thuốc”, BS Đàng An, Trưởng Trạm y tế thị trấn Cần Thạnh, chia sẻ.
Tương tự, BS Nguyễn Gia Phương, Trưởng Trạm y tế phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức), cho biết, trạm có nhiệm vụ chăm lo sức khỏe ban đầu cho gần 110.000 nhân khẩu. Trong 8 tháng qua, trạm đã khám, cấp phát thuốc cho khoảng 2.000 trường hợp, nhưng đa số là bệnh lý thông thường. Định kỳ, trạm sẽ triển khai thăm khám sức khỏe cho 8.100 người cao tuổi trên địa bàn, đa phần mắc các bệnh mạn tính không lây. Thế nhưng, khi khám xong, bác sĩ đành kê đơn để người bệnh ra ngoài mua thuốc hoặc lên các bệnh viện tuyến trên lấy thuốc, rất vất vả cho người bệnh và ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.
Trong khi đó, theo BS Ngô Cao Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hóc Môn, hiện bình quân mỗi ngày 12 trạm y tế của huyện có 150-200 lượt khám theo diện BHYT. Đây là tỷ lệ rất thấp, nếu xét theo quy mô người dân đăng ký khám chữa bệnh tại trạm y tế bằng thẻ BHYT trên toàn huyện. Ngoài các nguyên nhân thiếu bác sĩ, cơ sở vật chất xuống cấp…, còn có nguyên nhân khác là thiếu thuốc BHYT loại biệt dược.
Theo số liệu xét nghiệm 8 tháng năm 2024 được Khoa Xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh của Trung tâm Y tế quận Gò Vấp tổng hợp, địa phương này đã thực hiện xét nghiệm cho 36.873 người. Trong đó, thực hiện xét nghiệm cho 10.701 người cao tuổi, xét nghiệm phục vụ công tác khám chữa bệnh dịch vụ và BHYT là 26.172 người. Dự kiến từ nay đến tháng 12-2024, các đơn vị y tế của quận Gò Vấp phải thực hiện xét nghiệm cho hơn 65.000 người cao tuổi, hơn 20.000 người khám chữa bệnh dịch vụ và BHYT, nhưng hiện cơ số thuốc tồn kho và số lượng hóa chất chỉ đủ sử dụng đến cuối tháng 9. “Nếu thuốc BHYT, hóa chất không được mua sắm kịp thời thì trung tâm sẽ phải đóng cửa hoạt động xét nghiệm, gây ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh cho người dân”, đại diện Khoa Dược, Trung tâm Y tế quận Gò Vấp cho hay.
Khẩn trương tổ chức đấu thầu
TS-BS Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp, thông tin, để công tác khám chữa bệnh ban đầu, phòng chống dịch bệnh cho gần 677.000 người trên địa bàn, nhu cầu về thuốc tân dược generic (bản sao của thuốc biệt dược, với thành phần hoạt chất tương tự nhau) và thuốc dược liệu rất lớn. Tuy nhiên, với 144 loại thuốc generic và hơn 10 loại thuốc dược liệu mà trung tâm hiện có thì chưa đáp ứng được nhu cầu điều trị. Do đó, người cao tuổi đến khám chữa bệnh chỉ dao động từ 50%-55%, số còn lại khám vượt tuyến. “Việc ngành y tế thành phố cấp thêm 202 danh mục thuốc generic và 36 loại thuốc dược liệu sẽ giúp quận đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn”, TS-BS Nguyễn Trung Hòa nói.
Theo BS-CKII Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Tân Phú, do nhu cầu về thuốc khám chữa bệnh BHYT cao nên địa phương cần thêm 113 loại thuốc generic và 28 loại thuốc dược liệu. “Thuốc được cung ứng nhiều hơn cho y tế cơ sở, chắc chắn số lượng người bệnh đến thăm khám, điều trị sẽ nhiều hơn. Đặc biệt, với các trạm y tế khu vực vùng ven, ngoại thành, người bệnh sẽ yên tâm hơn khi khám chữa bệnh, góp phần giảm tải cho tuyến trên”, BS-CKII Nguyễn Văn Tiến khẳng định.
Nhằm kịp thời bổ sung danh mục thuốc cho y tế cơ sở, công tác tổ chức đấu thầu thuốc đang được tiến hành. Dược sĩ Hoàng Thị Thu Hằng, Phó trưởng Khoa Dược, Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM, cho hay, bệnh viện được giao nhiệm vụ là bên mời thầu của gói thầu thuốc dược liệu, thuốc có kết hợp dược chất với các dược liệu, thuốc cổ truyền của các trung tâm y tế năm 2024-2025. Hiện, tổ chuyên gia đến từ 17 bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn thành phố đã hoàn thành đánh giá, làm rõ hồ sơ dự thầu lần 2 với 53/57 danh mục thuốc (4 danh mục thuốc không có doanh nghiệp dược tham gia) với 104 mặt hàng, tổng giá trị gói thầu trên 16 tỷ đồng.
Đại diện Bệnh viện Hùng Vương cũng cho biết, công tác mời thầu do đơn vị này chủ trì cơ bản đạt đúng kế hoạch. Sau khi làm rõ hồ sơ dự thầu, bệnh viện sẽ tiếp tục đối chiếu hồ sơ, thẩm định kết quả đánh giá và trình Sở Y tế phê duyệt. Từ kết quả phê duyệt, các trung tâm y tế sẽ trực tiếp ký kết hợp đồng với doanh nghiệp để cung ứng thuốc.
Theo Sở Y tế TPHCM, ngay sau khi Luật Đấu thầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2024, sở đã xây dựng kế hoạch mua sắm thuốc chung cho tuyến y tế cơ sở để tăng cường năng lực cung ứng thuốc cho nhu cầu điều trị, đặc biệt là trạm y tế trên địa bàn. Sở Y tế đã tổng hợp danh mục thuốc từ các trung tâm y tế đối với gói thầu thuốc generic với 400 danh mục thuốc, và gói thầu thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền với gần 60 danh mục thuốc. Công tác tổ chức đấu thầu hoàn thành vào cuối tháng 9-2024.