Ngày 22-8, tại trụ sở các cơ quan của Quốc hội, đoàn giám sát của Ủy ban Xã hội của Quốc hội làm việc với Bộ LĐTB-XH về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống ma túy và phòng chống mại dâm.
Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Nguyễn Văn Hồi cho biết, công tác phòng chống ma túy còn một số tồn tại, hạn chế. Để khắc phục, theo ông, cần phối hợp nhiều giải pháp, trong đó cần có chính sách trợ cấp ưu đãi theo nghề đối với cán bộ trong các cơ sở cai nghiện ma túy công lập; chính sách khuyến khích, thu hút tư nhân đầu tư, tham gia vào công tác cai nghiện và hỗ trợ cho người sau cai nghiện.
Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Nguyễn Văn Hồi phát biểu |
Về công tác phòng chống mại dâm, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh, nhiều địa phương không được bố trí kinh phí hoặc không cân đối được ngân sách.
“Từ năm 2021 đến nay, công tác phòng chống mại dâm không thuộc chương trình mục tiêu; trong khi phần bố trí từ nguồn chi đảm bảo xã hội chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao theo chương trình phòng chống mại dâm giai đoạn 2021 - 2025. Nhiều nhiệm vụ phải thực hiện lồng ghép nên hiệu quả hạn chế”, ông Nguyễn Văn Hồi nêu rõ.
Về phía Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cũng cho biết, công tác phòng chống ma túy còn gặp một số khó khăn do sự gia tăng của các loại ma túy mới, nhất là các ma túy dạng kích thích; cán bộ cung cấp dịch vụ thay đổi thường xuyên nên cần nguồn lực và đào tạo liên tục dẫn đến quá tải công việc cho cán bộ y tế. Các dữ liệu về mô hình và hiệu quả các can thiệp điều trị methadone ở bệnh nhân sử dụng đa ma túy hiện đang thiếu…
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan bày tỏ lo ngại vì nguồn lực cho công tác phòng chống ma túy còn thiếu, nhất là ở cấp cơ sở, ảnh hưởng đến công tác quản lý người sau cai nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy. Việc bố trí kinh phí cho công tác phòng chống ma túy còn rất bất cập, hạn chế; nguồn kinh phí thường xuyên Trung ương không tăng chi cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách. Nguồn kinh phí đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 của các địa phương đã phân bổ cho các hạng mục theo kế hoạch, do đó nhiều địa phương đề nghị đầu tư hạ tầng cơ sở cai nghiện không được giải quyết. Kinh phí hỗ trợ của địa phương theo phân cấp từ nguồn ngân sách nhà nước hàng năm nhiều nơi không đáp ứng yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ được giao. Bộ máy làm công tác phòng chống ma túy còn thiếu về số lượng và hạn chế về trình độ chuyên môn… Bên cạnh đó, chế tài xử phạt đối với người bán dâm sau khi bị bắt giữ chưa đảm bảo tính răn đe, hầu hết vẫn tái vi phạm.
Quang cảnh phiên họp |
Phát biểu thảo luận tại cuộc làm việc, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Leo Thị Lịch cho biết, tình hình ở các khu vực có người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa diễn biến phức tạp. Đại biểu đề nghị các bộ ngành theo dõi tỷ lệ người nghiện là dân tộc thiểu số từ 12-18 tuổi đưa vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc cũng như tự nguyện.
Đại biểu cũng đề nghị báo cáo cần nêu rõ, đánh giá kỹ lưỡng sự phối hợp giữa cơ quan dân tộc ở cấp tỉnh, cấp huyện với các ngành chức năng trong phòng chống ma túy, mại dâm. Thêm vào đó, cần nghiên cứu mô hình cai nghiện riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn.
Phản ánh thực trạng số lượng cơ sở cai nghiện ma túy có phòng y tế đảm bảo chất lượng để xác định tình trạng nghiện còn thấp, trong khi nhu cầu cao, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Lê Thị Thanh Lam đề nghị Bộ LĐTB-XH, Bộ Y tế làm rõ hướng phối hợp để giải quyết vấn đề này, đồng thời chú trọng bố trí đội ngũ y sĩ, bác sĩ thực hiện công tác cai nghiện.
Kết luận nội dung làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị Bộ LĐTB-XH sớm nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật về Phòng, chống mại dâm làm cơ sở cho việc thực hiện các biện pháp, giải pháp về phòng, chống mại dâm cho phù hợp với thực tiễn hiện nay, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thực hiện tốt các chính sách về bảo trợ xã hội. Nghiên cứu đề xuất giải pháp tháo gỡ bất cập, khó khăn cho công tác cai nghiện ma túy, đặc biệt là công tác cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng, trong việc bố trí được đơn vị sự nghiệp cung cấp dịch vụ ma túy tại gia đình và cộng đồng.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng đề nghị Bộ Y tế chủ động rà soát, ban hành mẫu bệnh án theo dõi, xác định tình trạng nghiện ma túy; quy định mức giá thu, chi theo dõi, xác định tình trạng nghiện ma túy.
Đáng lưu ý, bà Thúy Anh đề nghị, để khắc phục tình trạng thiếu cán bộ y tế, có thể nghiên cứu, xem xét bổ sung chức năng, nhiệm vụ của cơ sở y tế công lập cấp xã, cấp huyện có thể tham gia cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.