Ngày 11-1, theo ghi nhận tại hiện trường dọc bờ sông Minh, có nhiều khối đất đá, cây cối đã bị cuốn sạt lở, bật gốc, đổ sập xuống lòng sông. Khu vực xung quanh xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài, ăn sâu vào bên trong và có nguy cơ tiếp tục sạt lở phức tạp, nguy hiểm.
Sạt lở gây ảnh hưởng đến một số hạng mục công trình thuộc Di tích lịch sử văn hóa Đền Cả (hay còn gọi là Dinh đô quan Hoàng Mười).
Ngay sau khi nhận tin báo, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng chức năng, phương tiện đến hiện trường nhanh chóng di dời một số hạng mục công trình và cây cối đến vị trí khác nhằm tránh nguy cơ bị đổ sập xuống lòng sông.
Đồng thời, tiến hành căng dây, lập các biển cảnh báo, cắt cử người trực gác xung quanh khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm, cấm người dân và các phương tiện đến gần để đảm bảo an toàn.
Hiện chính quyền địa phương và ngành chức năng đang tiếp tục kiểm tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng sạt lở để đề xuất lên cấp trên sớm có các phương án ứng phó, khắc phục triệt để sạt lở lan rộng, đảm bảo an toàn hành lang tuyến đê La Giang và khu vực di tích, đường giao thông ở gần đó.
Trước đó, như Báo SGGPO đã đưa tin, vào cuối tháng 10-2023, tại khu vực này, do ảnh hưởng mưa lớn kéo dài, nước sông chảy mạnh đã khiến bờ sông Minh xảy ra tình trạng sạt lở, hàng trăm khối đất đá cùng nhiều cây trồng lâu năm bị cuốn đổ sập, bật gốc.
Thời điểm đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo cơ quan chức năng xuất cấp 390 chiếc rọ thép và 600m3 đá hộc để triển khai công tác khắc phục xử lý sạt lở dọc bờ sông. Tuy nhiên, việc khắc phục này là giải pháp tạm thời trước mắt, nay do nước sông chảy mạnh tiếp tục xảy ra sạt lở nghiêm trọng hơn.
>> Một số hình ảnh hiện trường sạt lở bờ sông Minh