Trung bình, cứ 11 công việc được tạo ra thì có 1 việc đến từ ngành du lịch. Do vậy, nhiều quốc gia đã phát triển nguồn dữ liệu dồi dào - công cụ hiệu quả có thể tác động đáng kể đến ngành du lịch. Chẳng hạn như đo đếm lượng khách, thói quen, sở thích, thời gian lưu trú, khoản chi tiêu của từng đối tượng du khách; giúp doanh nghiệp (DN), người làm du lịch định hướng thị trường tiêu dùng.
Đối với TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung, việc xây dựng và phát triển kho dữ liệu thông tin chia sẻ đang là bài toán cấp bách được đặt ra. Tại hội thảo mới đây về khởi nghiệp du lịch thông minh dành cho các DN trẻ, nhiều ý kiến tâm huyết nhấn mạnh đến việc DN mong muốn được tiếp cận “thông tin thật, số liệu thật” chứ không phải “số liệu ảo”.
Ông P.H., giám đốc một công ty lữ hành tại TPHCM, tâm sự, nếu nhìn vào số lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng đều đặn hàng năm, cảm thấy rất khả quan. Ví dụ, 11 tháng qua, TPHCM đón trên 7,7 triệu lượt khách quốc tế, cả nước đón trên 16 triệu lượt.
“Thế nhưng xét đến yếu tố tin cậy, rõ ràng các thống kê này chưa chỉ ra được có bao nhiêu trong số khách nước ngoài đến Việt Nam vì mục tiêu du lịch, nghỉ dưỡng. Liệu có hay không việc thống kê mang tính hình thức?”, ông P.H. hoài nghi.
Một DN khác cho biết, khi nghe cụm từ “du lịch thông minh”, DN cảm thấy rất thích thú, nhưng trăn trở vì ở Việt Nam chưa có kho dữ liệu dùng chung đủ tin cậy. DN này dẫn chứng, không đơn giản để tiếp cận được các thông tin như du khách đi TPHCM, khám phá các tỉnh ĐBSCL, ra Hà Nội, lên Sapa, mỗi nơi bao lâu, nơi nào dừng chân lâu nhất? Chưa kể, khi khai thác dữ liệu như thế có vi phạm quyền cá nhân của du khách hay không cũng là điều mà các DN băn khoăn.
Mặt khác, khi nói về du lịch thông minh, nếu chỉ áp đặt vào việc sử dụng công nghệ quá nhiều mà quên đi việc duy trì, phát triển, bảo tồn bản sắc địa phương, thì không thể tạo ra nguồn thu. Nhìn sang một số nước láng giềng như Thái Lan, xa hơn có Nhật Bản, Hàn Quốc, các khu du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng của họ đều đậm nét bản địa, mà xoay quanh đó nhiều câu chuyện rất hay được chia sẻ. Từ các câu chuyện này khiến du khách nhớ mãi, hút khách đến tham quan, lưu trú nhiều hơn.
Các chuyên gia du lịch đánh giá rằng, việc ứng dụng du lịch thông minh giúp nâng cao trải nghiệm, chất lượng dịch vụ cũng như sự an toàn cho du khách. Thực tế, công nghệ đang góp phần thay đổi hành vi du khách. Số hóa đang ảnh hưởng đến mọi ngóc ngách của du lịch, trên mọi hành trình.
Trên thế giới, hàng loạt DN công nghệ thông tin đã ứng dụng dịch vụ của ngành du lịch trên các sàn thương mại điện tử, dịch vụ gọi xe trực tuyến mang về thu nhập “khủng”, hàng chục tỷ USD, thậm chí hàng trăm tỷ USD.
Tại Việt Nam, báo cáo từ Google và Temasek cho thấy, quy mô du lịch trực tuyến nước ta dự kiến đến năm 2025 sẽ lên tới 9 tỷ USD, nhưng thị trường này gần như đang bị bỏ ngỏ. Mà một trong những nguyên nhân dẫn đến sự ì ạch trong quá trình số hóa được lý giải chính là chưa đủ nguồn dữ liệu đầu vào đáng tin cậy; cơ chế, chính sách hỗ trợ chưa bắt kịp thực tế.