Bỏ sổ hộ khẩu: Cần làm thí điểm trước khi nhân rộng

Mới đây, Bộ Công an công bố dự thảo báo cáo đánh giá tác động chính sách trong dự án Luật Cư trú (sửa đổi) để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 2 tháng.

 

Trong dự thảo, Bộ Công an đưa ra 2 hình thức quản lý dân cư: giữ nguyên hình thức quản lý hộ khẩu như hiện nay hoặc thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân được cập nhật từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Đại tá, TS Nguyễn Ngọc Kỷ (ảnh), nguyên cán bộ cấp cao  - Cục Tin học nghiệp vụ (nay là Cục Công nghệ thông tin), Bộ Công an xung quanh vấn đề này.

 ° PHÓNG VIÊN: Thưa ông, Bộ Công an đang dự thảo 2 phương án quản lý dân cư dựa trên sổ hộ khẩu và số định danh cá nhân dựa trên cơ sở dữ liệu quốc gia. Ông nhận định như thế nào về 2 phương án này?


° Ông NGUYỄN NGỌC KỶ: Mục đích dùng cơ sở dữ liệu quốc gia để quản lý dân cư là bỏ hộ khẩu giấy thủ công mà thay bằng sổ hộ khẩu “điện tử”. Giống như hiện nay chúng ta điện tử hóa vé đi máy bay thay vé giấy. Có điều tôi không nhất trí với việc gọi đây là 2 phương án. Nói thế này dễ hình dung, chúng ta có 2 phương án là “xây cầu” và “đi phà” cho người dân, thì chắc chắn sẽ chọn “xây cầu”, điều này có lợi cho lâu dài hơn. Vậy, tương tự là điện tử hóa hệ thống thông tin quản lý dân cư, đó là cách làm văn minh, mang lại nhiều thuận lợi, không chỉ là việc đơn thuần bỏ đi sổ hộ khẩu bằng giấy.

Chúng ta có khoảng 90 triệu dân, nếu chúng ta kiểm tra trên đường phố 10 công dân ngẫu nhiên, nếu áp dụng điện tử hóa thì việc tra cứu thông tin mỗi người chỉ cần 5 phút, kể cả những xác chết, những người bị tai nạn họ không nói được thì cũng có thể lấy vân tay để xác minh. Vấn đề là bao giờ chúng ta làm được điện tử hóa như vậy?

° Trong dự thảo có nêu mục tiêu đến năm 2020 sẽ thay đổi cách quản lý dân cư từ sổ hộ khẩu giấy sang mã số định danh từ nguồn cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Ông thấy có khả thi?

° Chắc chắn tôi nghĩ không thể khả thi, cũng giống như chúng ta đặt mục tiêu “đến năm 2020, cơ bản Việt Nam trở thành nước công nghiệp”. Tôi thấy không khả thi điều này, nhưng ngược lại việc áp dụng “điện tử hóa” trong quản lý dân cư mang lại nhiều thuận lợi thì ai cũng nhận thấy.

Cũng cần phải lưu ý một điều, khi chuyển sang dùng mã số định danh cá nhân từ dữ liệu quốc gia dân cư, đó là sau này mỗi người sẽ có một mã số thì cần phải thống nhất cách viết, cách đọc. Ví dụ, đọc là “thẻ căn cước” thì kèm theo có “số căn cước công dân”; hay “thẻ định danh cá nhân” thì có “số định danh cá nhân”; tương tự “giấy chứng minh nhân dân” thì có “số chứng minh nhân dân”, nhưng tiếc đã có người dịch sai, gọi là “số định danh cá nhân” nhưng thẻ lại là “thẻ căn cước công dân”. Như phương tây họ đã làm được việc xây dựng cơ sở dữ liệu sống (dữ liệu được cập nhật từng giây, từng giờ từ 3 hệ: dân cư, hộ tịch, hộ khẩu), khi nào Việt Nam xây dựng được cơ sở dữ liệu dân cư sống do 3 hệ như trên kết nối được với nhau, mà cho phép ta tra nhanh trên máy tính, thì lúc đó gọi là thành công, tôi gọi là “xây cầu” thành công. Vấn đề là chúng ta đã chọn “xây cầu”, nhưng xem phương án cho hiệu quả và tiết kiệm. Chúng ta đầu tư 3.367 tỷ đồng để làm kho cơ sở dữ liệu thì cần xác định làm cái gì, bao giờ thì xong. Còn mục tiêu 2020 chắc chắn là không xong, vì nguồn dữ liệu này rất khổng lồ, đòi hỏi 63 địa phương cùng làm một lúc.

° Nhưng với điều kiện phát triển của khoa học kỹ thuật, có thể rút ngắn thời gian hoàn thành mục tiêu này, thưa ông?

° Không thể rút được. Một công việc rất lớn, chúng ta chưa làm xong ở một tỉnh nào, giờ phấn đấu đến 2020 làm xong trong cả nước là không khả thi. Nhưng tôi nghĩ, nếu 63 tỉnh, thành phố cùng làm ồ ạt đi lăn vân tay cũng phải 10 năm. Cách của tôi là kế thừa “hệ” cũ, và chỉ thêm những người mới. Cụ thể, sẽ giữ lại hệ thống chứng minh nhân dân 9 số, dùng công nghệ “made in Việt Nam” để tự động hóa. Đằng sau số chứng minh nhân dân sẽ có thêm mã vạch, mã vạch này có thể dùng điện thoại để đọc (mã code QR).

° Chúng ta đang quản lý dân cư dựa trên sổ hộ khẩu, giấy tạm trú, kèm theo đó là nhiều loại giấy tờ và thủ tục hành chính, việc này ít nhiều gây phiền hà cho dân. Vậy, với hình thức quản lý mới có cải thiện được nhiều thủ tục rườm rà hay không và có cần tính tới yếu tố vùng miền về trình độ hiểu biết công nghệ ở nông thôn?

° Sử dụng mã số định danh cá nhân rất tiện lợi. Tuy nhiên, theo tôi cũng không tránh được lo ngại trên, vấn đề vùng miền chắc chắn phải có. Vùng miền có ảnh hưởng tới vấn đề sử dụng dữ liệu của người dân nông thôn hay không thì rõ ràng là không, người ở nông thôn vẫn có thể đi máy bay bằng vé điện tử. Còn sử dụng thẻ căn cước công dân, người dân không cần trình độ vẫn sử dụng được vì đã có công nghệ.

° Vậy Bộ Công an cần chuẩn bị những gì để tiến hành chuyển đổi hình thức quản lý dân cư?

° Bộ Công an cần nhất lúc này là không phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, phải do công nghệ mình tự làm, phải biết kế thừa thành quả từ những cái cũ (thành quả từ năm 1976 trở lại đây). Trong thời gian chuyển đổi ai có thể làm thẻ điện tử trước thì làm trước. Bên cạnh đó, Bộ Công an cần xây dựng được 3 hệ thống: hệ hộ tịch, hệ hộ khẩu và hệ căn cước, 3 hệ này kết hợp với nhau mà thành công thì sau đó mới tới các bước khác.
 
° Việc chuyển đổi hình thức quản lý bằng mã số định danh có nên áp dụng thí điểm ở một địa phương, để từ đó có giải pháp khoa học áp dụng rộng rãi?

°Rất cần thí điểm. Chúng ta thí điểm 1 tỉnh trong 3 năm, nếu giải quyết được các tình huống mà người dân ở tỉnh đó tham gia các thủ tục hành chính thì coi như chúng ta áp dụng rộng rãi. Ví dụ, người dân tỉnh A có mối quan hệ giao thoa với tỉnh B và ngược lại thì xung quanh mối giao thoa này là các thủ tục hành chính kèm theo, các tình huống phải xử lý được. Tất cả công việc này cần người cán bộ, người làm luật phải tận tâm, trong sáng, vì dân, vì nước, phải biết hy sinh lợi ích để thực hiện.

° Sau khi chúng ta áp dụng quản lý dân cư bằng mã số định danh dựa trên cơ sở dữ liệu quốc gia thì vấn đề bảo mật thông tin, bảo mật cơ sở dữ liệu cần đầu tư như thế nào?
°Bảo mật là một trong những khâu rất quan trọng, nó là con dao 2 lưỡi. Hiện nay nhiều nơi bảo mật theo kiểu bỏ vào đĩa, ngồi ở nhà truy cập vào máy chủ vẫn có thể lấy được thì sao gọi là bảo mật. Nhưng bảo mật với công nghệ mới là khi dữ liệu vào đĩa cứng, với cơ sở dữ liệu đó ai nhặt được mà không phải chuyên gia sẽ không mở được, vì được mã hóa. Hơn nữa, giữa các chuyên gia bảo mật trong ngành với nhau thì phải nêu cao chế độ trách nhiệm, ai quản lý dữ liệu ở thời điểm nào thì chịu trách nhiệm ở thời điểm đó (nếu có vấn đề xảy ra), tất cả điều này đều được mã hóa. Chúng ta bảo mật không cẩn thận mà thông tin 90 triệu dân Việt Nam lọt ra tay kẻ xấu thì hậu quả vô cùng khôn lường.

° Xin cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục