* Chị Bùi Minh Tú, phụ huynh học sinh lớp 1, quận Gò Vấp, TPHCM:
Nên đơn giản hóa nội dung sách giáo khoa
Trước phản ứng của nhiều người về bộ SGK Tiếng Việt lớp 1, tôi có dành thời gian xem qua bộ Cánh Diều của con gái đang học, và đúng thật là nội dung không rõ ràng, có nhiều câu từ vay mượn mà đến người lớn còn rất khó hiểu. Thí dụ như câu chuyện “Hai con ngựa”, “Cua, cò và đàn cá” thiếu tính giáo dục, thậm chí là dạy trẻ thói khôn lỏi, lừa lọc, không phù hợp với đạo đức, văn hóa của người Việt. Hơn nữa, trẻ mới lớp 1, chỉ cần đọc, viết và thấy được văn hóa tốt đẹp của người Việt là được. Không nhất thiết phải hàn lâm, câu từ vĩ mô như các nhà biên soạn phân tích trên báo đài.
* Anh Trần Nguyễn Chí Hùng, quận Tân Bình, TPHCM:
Bộ GD-ĐT phải chịu trách nhiệm
Trong SGK Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều sử dụng một số từ ngữ địa phương, không mang tính phổ thông; nhiều câu từ vay mượn từ ngữ nước ngoài không phù hợp với lứa tuổi học sinh lớp 1. Tôi nghĩ, Bộ GD-ĐT là đơn vị đứng ra thẩm định, đồng ý cho phát hành, vì vậy phải có trách nhiệm rà soát, thu hồi SGK Tiếng Việt lớp 1 đang gây phản ứng trong dư luận; đồng thời cùng với các nhà biên soạn nghiên cứu, thẩm định để đưa ra bộ sách phù hợp hơn với lứa tuổi.
* Chị bích Chi, quận Phú Nhuận, TPHCM:
Phụ huynh được đổi hay phải mua sách mới?
Theo dõi thông tin báo đài, tôi được biết hội đồng thẩm định và tác giả SGK môn Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều đã thống nhất tiếp thu các góp ý để chỉnh sửa cho phù hợp. Bộ GD-ĐT yêu cầu nhà xuất bản và tác giả xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính, gửi hội đồng thẩm định để thẩm định, báo cáo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT xem xét phê duyệt nội dung chỉnh sửa trước ngày 15-11-2020.
Như vậy, việc chỉnh sửa SGK sẽ kéo dài thêm, chưa biết khi nào hoàn thành, trong khi học sinh lớp 1 đã bước vào năm học mới từ ngày 5-9. Và sau khi chỉnh sửa SGK Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều, phụ huynh học sinh được đổi hay phải mua sách mới? Việc chỉnh sửa SGK Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều không chỉ đơn thuần là “thống nhất tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý để chỉnh sửa SGK cho phù hợp” mà cần làm rõ trách nhiệm của bộ chủ quản và hội đồng thẩm định.
* Anh trần Văn Tám, huyện Củ Chi, TPHCM:
“Hạt sạn” lọt qua nhiều cấp thẩm định
Trường tôi hiện đang sử dụng bộ Cánh Diều của NXB Đại học Sư phạm TPHCM. Tôi nhận thấy nhóm tác giả biên soạn sách tiếng Việt thật sự chưa chú ý tính nhân văn. Sách được hội đồng thẩm định nhiều cấp, từ giáo viên, phụ huynh, nhà trường đến phòng, sở, bộ, vậy mà vẫn còn nhiều “hạt sạn”. Trong đó, từ trong sách thường dùng theo phương ngữ khi giao tiếp ở miền Bắc, mà SGK thì được giảng dạy trên toàn quốc, áp dụng cho học sinh mọi vùng miền nên giáo viên ít nhiều gặp khó khăn trong việc giải nghĩa từ, truyền thụ kiến thức, mở rộng vốn từ.