Theo đó, Bộ Y tế bãi bỏ khoản 3 điều 8 của Thông tư số 14/2020/TT-BYT, ban hành ngày 10-7-2020 quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế, trong đó quy định: “Các cơ sở y tế phải tham khảo giá trang thiết bị y tế trúng thầu trong vòng 12 tháng trước; giá kế hoạch của trang thiết bị y tế không được cao hơn giá trúng thầu”.
Quy định này khiến bệnh viện khó triển khai vì nếu muốn mua thiết bị y tế thì buộc phải mua với giá thấp hơn hoặc bằng giá trúng thầu trong 12 tháng qua tại các cơ sở y tế khác. Thế nhưng trong điều kiện tỷ giá, giá điện nước, nhân công, lương đều tăng nên yêu cầu này trở nên bất khả thi.
Do vậy, gần đây, đại diện nhiều bệnh viện đã lên tiếng phản ánh, cho rằng trong điều kiện trượt giá mạnh mà lại quy định giá đấu thầu trang thiết bị y tế phải thấp hơn hoặc bằng giá đấu thầu của 1-2 năm trước là không phù hợp với quy luật giá cả thị trường. Hơn nữa, trong thực tế, những loại thuốc, trang thiết bị có chất lượng cao, các nhà sản xuất, phân phối sẽ không tham gia thầu nếu họ không có lợi nhuận hợp lý hoặc nếu có tham gia thầu, giá bỏ thầu cao hơn giá kế hoạch cũng sẽ bị chấm trượt thầu.
Liên quan đến việc nhiều mặt hàng thuốc của nhà thầu trúng thầu gói thầu thuốc tập trung quốc gia có lượng tồn kho thấp, không đủ hoặc chưa có thuốc để cung ứng cho cơ sở y tế, ông Lê Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia, Bộ Y tế, cho biết, đã đề nghị nhà thầu có biện pháp khắc phục, khẩn trương làm việc với nhà sản xuất để sớm có thuốc cung ứng cho các cơ sở y tế. Trong trường hợp nhà thầu không đảm bảo cung ứng thuốc gây ảnh hưởng đến điều trị, trung tâm sẽ có văn bản đề nghị các cơ sở y tế xử lý theo hợp đồng đã ký kết giữa hai bên; đồng thời có biện pháp xử lý nhà thầu theo các quy định của Luật Đấu thầu.