Theo bà Trần Bích Thủy, Giám đốc Tổ chức HelpAge International tại Việt Nam (Tổ chức Hỗ trợ người cao tuổi quốc tế - HAI), đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án Liên minh “Tăng cường khả năng chống chịu thiên tai tại miền Trung, Việt Nam - giai đoạn 3” triển khai tại 4 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị và Hà Tĩnh, do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ thông qua Văn phòng Hỗ trợ nhân đạo (BHA).
Tại hội thảo, bà Lê Thị Thúy Hằng, cán bộ dự án thuộc Tổ chức HAI thông tin, theo báo cáo nghiên cứu, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam do Tổng cục Dân số công bố năm 2019 là 73,6 tuổi (cao hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới - 72 tuổi).
Năm 2011, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số và tỷ lệ già hóa ngày càng tăng cao, tăng nhanh. Theo số liệu đến năm 2019, tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên ở Việt Nam chiếm 11,9% dân số. Dự báo đến năm 2038, số người cao tuổi tại Việt Nam sẽ có 22,3 triệu người, chiếm 20% tổng dân số.
Theo bà Hằng, Luật Phòng chống thiên tai của Việt Nam năm 2013 nêu rõ các đối tượng dễ bị tổn thương khi có thiên tai là người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai…
Tuy nhiên hiện nay, việc đưa nội dung người cao tuổi vào quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng trong các hướng dẫn thực hiện Chương trình quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng và các tài liệu tập huấn.
Đồng thời, thiếu các hoạt động tập huấn nâng cao nhận thức và năng lực hướng dẫn kỹ thuật cho nhóm hỗ trợ kỹ thuật, Hội Người cao tuổi Việt Nam và các hội người cao tuổi tại địa phương về nội dung này.
“Rất ít hội người cao tuổi tại các địa phương được tham gia vào Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, nhóm hỗ trợ kỹ thuật các cấp” – bà Hằng nói, mặc dù người cao tuổi thường có rất nhiều kinh nghiệm trong ứng phó với thiên tai, thậm chí còn có sự phân biệt về tuổi tác.
Cán bộ của dự án này cho rằng: “Các chính sách, chương trình phòng chống thiên tai hiện nay chủ yếu đề cập đến người cao tuổi như nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, mà chưa tính đầy đủ đến vai trò của hội người cao tuổi tại cộng đồng”.
Theo bà Trần Bích Thủy – Giám đốc Tổ chức HAI tại Việt Nam, có 2 vấn đề nóng nhất toàn cầu mà hầu hết các quốc gia đều đang tìm cách thích ứng, đó là biến đổi khí hậu và già hóa dân số.
Tại Việt Nam, làm thế nào để phát huy vai trò và sự đóng góp của người cao tuổi - một lực lượng tại chỗ ngày càng tăng và làm thế nào để đảm bảo các nhu cầu đặc thù, giảm tính dễ bị tổn thương của người cao tuổi liên quan đến sức khỏe, tình trạng khuyết tật, an sinh thu nhập, sắp xếp cuộc sống…
Để giải quyết hai vấn đề này, Tổ chức HAI và Hội Người cao tuổi Việt Nam đã xây dựng tài liệu hướng dẫn và bảng kiểm đưa nội dung người cao tuổi vào Chương trình quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, áp dụng thử nghiệm tại 20 xã ở 4 tỉnh triển khai dự án.
“Tiến tới một cộng đồng an toàn với thiên tai trong bối cảnh già hóa dân số, cần được thực hiện trên phạm vi toàn quốc”- bà Trần Bích Thủy nói.
Chủ trì hội thảo, ông Phan Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam, nhấn mạnh: “Người cao tuổi không chỉ là đối tượng dễ bị tổn thương, mà còn là một lực lượng có vai trò quan trọng trong phòng, chống thiên tai”.
“Việc phát huy vai trò, sự tham gia chủ động của người dân, nhóm có rủi ro cao, người cao tuổi và các lực lượng xã hội là nhiệm vụ trọng tâm của Tổng cục Phòng chống thiên tai thông qua hợp tác với các cơ quan, tổ chức xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch giảm thiểu rủi ro thiên tai, bảo vệ và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội bền vững”- ông Nguyễn Văn Tiến nói.
Việc đưa nội dung người cao tuổi vào quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng cũng là nhằm thực hiện Luật Người cao tuổi năm 2009, Luật Phòng chống thiên tai 2013 và Quyết định số 553 của Chính phủ về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.
75% số người chết khi cơn bão Katrina xảy ra ở Mỹ năm 2005 là người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên, trong khi người cao tuổi chỉ chiếm 16% dân số địa phương. |