Động thái này được Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa đánh giá hết sức tích cực, “là thiện chí của lãnh đạo TP, lắng nghe dư luận”. Từ đó, nhiều chuyên gia mong muốn TPHCM sẽ có thái độ ứng xử công bằng hơn với các di tích đã gắn liền với lịch sử nhiều biến đổi của Sài Gòn - TPHCM hơn 300 năm qua.
Đối với một đô thị, thật khó khăn trong việc giải quyết xung đột mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Nếu giữ lại những hồn phố cổ kính sẽ khó hình thành những công trình hạ tầng xã hội mới để đưa TP vươn lên văn minh hiện đại. Rõ ràng, nếu giữ lại những khu phố cổ trên tuyến đường Hàm Tử, quận 5 (trước đây) thì TPHCM sẽ không thể có tuyến đường đại lộ Võ Văn Kiệt, băng từ phía Tây xuyên qua khu Đông, nối với tuyến cao tốc Long Thành - Dầu Giây; TP khó có giải pháp khác để chọn trong việc phá bỏ hàng cây đường Tôn Đức Thắng mở lối cầu đường kết nối với khu đô thị mới Thủ Thiêm; hoặc trung tâm thương mại hình thành lên sau khi xóa bỏ thương xá Tax…
Có thể kể rất nhiều các công trình hiện đại đã và đang hình thành lên trong sự “giằng xé” giữa việc giữ gìn cái cũ và xây dựng cái mới như vậy, giữa lòng TPHCM trẻ trung này. Có một điều chắc chắn, việc bắt buộc phải xóa bỏ đi những di sản cổ xưa đã đem đến sự tiếc nuối khôn nguôi trong lòng người dân, cũng như các chuyên gia nghiên cứu lịch sử, xã hội, kiến trúc… Cũng từ đây, dư luận đã phát hiện những kẽ hở trong công tác quản lý, gìn giữ bảo tồn các công trình cổ kính.
Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, trong danh sách các công trình, địa điểm đã được quyết định xếp hạng di tích trên địa bàn TPHCM, tính đến hết tháng 5-2017 ghi nhận 172 di tích, bao gồm 2 di tích quốc gia đặc biệt (di tích lịch sử); 56 di tích quốc gia (2 di tích khảo cổ học, 30 di tích kiến trúc nghệ thuật, 24 di tích lịch sử); 114 di tích cấp TP (66 di tích kiến trúc nghệ thuật, 48 di tích lịch sử). Tuy nhiên, điều đáng nói là nhiều công trình quan trọng mang dấu ấn đặc trưng của TP không hề được đưa vào danh sách này, đó là: Chợ Bến Thành, Bưu điện TPHCM, Thư viện khoa học tổng hợp TPHCM, khu biệt thự ngoại giao đường Lý Thái Tổ, các khu biệt thự cổ tại quận 3... Trong danh sách này cũng không thấy các công trình tôn giáo mang đậm nét cổ kính như Nhà thờ Đức Bà, Nhà thờ Tân Định, Nhà thờ Huyện Sĩ… Rồi các công trình của các đạo giáo khác… cũng không nằm trong danh sách xếp hạng.
Vì sao có nghịch lý như vậy? Được lý giải rằng, một số công trình này được đưa vào một danh sách khác để bảo tồn tạm thời trong khi chờ xếp hạng di tích. Từ việc không đưa vào danh sách chính thức và “bỏ sót” đã dẫn tới hệ lụy mà dư luận nghi ngờ: Dinh Thượng Thơ vì không được xếp hạng là di tích bảo tồn nên đó là lý do để phá bỏ tòa nhà; hoặc suy rộng ra: các công trình cổ kính không được xếp hạng vì nó không có giá trị, sẽ bị phá bỏ??? Không những thế, ở chiều ngược lại, có những di tích lại bị cắt xén, thu gọn chỉ còn là cái tên “địa điểm” mà thôi…
Nhìn ở góc độ bao quát, theo các chuyên gia, nguyên nhân sâu xa là do sự thiếu sót của Luật Di sản văn hóa. Bất cập lớn nhất của bộ luật này là, mặc dù di sản luôn đối mặt với xung đột phát triển nhưng bộ luật này không được bổ sung cho phù hợp với thời đại, lần bổ sung mới nhất là năm 2010; đồng thời cũng chưa đưa ra được đầy đủ các giải pháp định hướng, phân công trách nhiệm, cơ sở pháp lý và quy trình thực hiện cho việc bảo tồn di sản quy hoạch kiến trúc. Trong khi đó, việc quản lý di sản hiện nay chủ yếu dựa vào Luật Di sản văn hóa, mà luật chỉ tập trung vào lĩnh vực bảo tồn di tích, xem nhẹ việc xây dựng cơ sở pháp lý cho các giải pháp cải tạo di sản, phục hồi di sản và tái thiết di sản. Điều đó dẫn tới hệ quả, nhiều công trình có giá trị lịch sử, chỉ vì chưa kịp hoặc chưa được xếp hạng di tích thì không được bảo vệ thông qua cơ sở pháp lý, một ngày nào đó có nguy cơ bị phá bỏ để làm dự án này kia. Do đó, nếu không luật hóa di tích thì việc đập hay để chỉ là cảm tính. Sự chặt chẽ của luật pháp dẫn đến sự nghiêm túc trong việc gìn giữ di sản.
Đối với TPHCM, bên cạnh việc bổ sung và tuân thủ luật hóa, còn là cách ứng xử thấu đáo: TP không phải rơi vào hoàn cảnh “đất chật người đông” mà buộc phải phá các di tích để xây dựng cái mới, xóa di tích để tìm “đất sống”. Bên cạnh TP văn minh hiện đại phải có hồn phố. Đó chính là tài sản để lại cho mai sau.