Không bao ni lông
Vài năm gần đây, chuỗi siêu thị Co.opmart đã dành nhiều diện tích ở nơi bày bán hàng hóa để tuyên truyền, vận động khách hàng hạn chế sử dụng bao ni lông.
Những chiếc túi tự hủy được đặt nơi thanh toán tiền để đựng hàng hóa cho khách, giá khoảng vài ngàn đồng một cái. Đây được xem là việc làm tích cực hưởng ứng việc vận động không sử dụng bao ni lông.
Với cách vận động khách hàng bỏ qua tiện lợi để bảo vệ môi trường, nhiều người mua sắm ở chuỗi siêu thị này đã có thói quen mang theo túi đựng sử dụng nhiều lần để chứa hàng hóa, thực phẩm.
Tương tự, một vài chuỗi siêu thị, trung tâm thương mại khác cũng tuyên truyền vận động không dùng bao ni lông. Một trung tâm thương mại cặp đường song hành xa lộ Hà Nội (quận 2) bán hàng tại kho theo giá sỉ, do vậy giá thấp hơn so với giá thị trường và thu hút rất đông khách hàng.
Theo quy định, các quầy thanh toán đều không cung cấp bao ni lông để gói hàng hóa. Mỗi món hàng đều có bao bì, hộp gói; quầy rau củ quả, hải sản tươi sống cũng có bao ni lông để đựng, nhưng khi tính tiền thì nơi đây không cho khách hàng bao ni lông to để đựng mọi thứ cho gọn.
Có thể khách hàng sẽ cảm thấy khó chịu vì sự bất tiện khi siêu thị không cung cấp bao ni lông để đựng hàng hóa, nhưng nếu hiểu rằng bao ni lông thải ra môi trường cả mấy trăm năm vẫn chưa phân hủy, thì khách hàng sẽ thấy không nên chỉ vì tiện lợi chốc lát mà gây di hại cả mấy trăm năm.
Khó khăn, thử thách
Cũng sẵn sàng bỏ qua tiện lợi để bảo vệ môi trường, hiện nay, một số quán cà phê, trà sữa đã không dùng ly nhựa, ống hút nhựa. Quán cà phê L.V. (đường Hai Bà Trưng, quận 1) phục vụ khách bằng ly kim loại, không có ống hút. Khách có nhu cầu sẽ được nhân viên mang ra ống hút bằng kim loại.
Tại quán này, cà phê mang đi (take away) không đựng bằng ly nhựa mà là ly giấy, có nắp đậy, có vòi uống, chứ không dùng ống hút. Tương tự, quán cà phê và món ăn chay ở đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1) sử dụng ly, chén, dĩa bằng sành sứ, với muỗng tre, ống hút tre, ống hút thủy tinh và cả ống hút bằng cỏ bàng tươi. Đồ ăn, thức uống mang đi cũng được đựng trong hộp, ly làm từ bã mía, bột tre…
Các quán không sử dụng ly nhựa, ống hút nhựa đã và đang gặp khó khăn, vì tăng giá thành trong bối cảnh cạnh tranh giá cả khá gay gắt.
Giá ống hút nhựa chỉ khoảng 60.000 đồng/kg, trong khi giá ống hút giấy gần 1.000 đồng/ống. Giá hộp xốp chỉ 400 đồng/hộp, trong khi giá hộp làm bằng bã mía, bột tre gần 2.000 đồng/hộp.
Nguyên liệu có giá cao nên giá bán một ly cà phê, một hộp cơm sẽ tăng lên. Nhiều người đã quen với giá rẻ, với sự tiện dụng của túi ni lông và hộp xốp, nên không muốn phải chi ra một số tiền nhiều hơn dù chỉ một chút để mua một ly cà phê, hộp cơm với ống hút và hộp đựng thân thiện môi trường.
Ống hút nhựa, hộp xốp… tái chế nhiều lần rất độc hại. Thậm chí các cơ sở tái chế cũng không thu lại loại chai nhựa, hộp xốp do chính họ cung cấp. Chính vì vậy, rác thải là ống hút nhựa, hộp xốp thải ra môi trường ngày càng nhiều, gây nghẽn hệ thống thoát nước đô thị.
Ông Trương Văn Hổ, Tổ trưởng Tổ vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, cho biết: “Mỗi ngày chúng tôi vớt rất nhiều rác. Ngoài bèo, chất thải khác thì có rất nhiều rác thải là hộp xốp, bao ni lông…Nếu không kịp xử lý, con kênh này sẽ ô nhiễm nặng nề, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước và sinh vật nuôi trong đó”.
Thực tế cảnh báo đã đến lúc nên bỏ qua tiện lợi của bao ni lông, ống hút nhựa, hộp xốp để bảo vệ môi trường.