Bỏ phố lên núi giúp đồng bào thoát nghèo

Gác lại phố thị náo nhiệt, chàng trai quê Hà Tĩnh lên miền núi Quảng Bình giúp đồng bào thiểu số thoát nghèo bền vững. Đó là anh Ngô Văn Hồng với hơn 20 năm coi miền núi Tuyên Hóa là quê hương thứ hai và kết nghĩa anh em cùng người Mã Liềng vùng biên giới.

Hòa mình vào đời sống bản địa

Anh Ngô Văn Hồng (44 tuổi), sinh ra và lớn lên tại Hương Khê, Hà Tĩnh. Thời thanh niên, chàng trai vùng sơn cước ấp ủ giấc mơ học lâm nghiệp tại Hà Nội. Ra trường với tấm bằng hạng ưu, được giữ lại làm giảng viên, nhưng nghe lời thầy giáo là nơi nào đồng bào nghèo khó nhất hãy đưa tri thức đến. Vậy là anh tìm đến vùng quê miền núi để giúp dân thoát nghèo.

Anh Hồng (thứ hai bên trái qua) cùng người dân bản địa 
bàn về vấn đề bảo vệ và khai thác rừng hiệu quả
Năm 2000, anh Hồng vào làm tại Trung tâm Nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển (CIRT) thuộc Liên hiệp các hội Khoa học - Kỹ thuật tỉnh Quảng Bình (đóng tại thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa). Anh được phân công lên bản Cu Tồn, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch nghiên cứu tri thức đồng bào. Vừa đặt chân vào bản Cu Tồn, một gia đình người Ma Coong có đứa con 5 tuổi ốm sốt, nhưng trạm y tế lại ở xa, phải đi cả ngày đường mới tới. Bất đắc dĩ, anh Hồng phải chữa bệnh cho bé với lọ dầu nóng. May thay, đêm ấy cháu bé bớt đau, sốt. Và đêm ấy cũng là đêm dài trăn trở của anh Hồng về cuộc sống đồng bào Ma Coong với bao khó khăn, thiếu thốn.


Từ đó, anh Hồng nguyện nghiên cứu những tính chất bản địa để có phương pháp tốt nhất giúp bà con Ma Coong. Miệt mài băng rừng, trèo đèo, đến từng hộ dân tìm hiểu trong suốt 3 năm, anh Hồng đề xuất những dự án với mô hình vườn hộ, canh tác bền vững, hỗ trợ giống rau theo mùa, đồng thời kêu gọi xây dựng nhà văn hóa cộng đồng, tổ chức hàng chục cuộc tham quan đồng bào miền núi phía Bắc. 

Ông Đinh Hợp, người làm ăn giỏi ở Ma Coong, tâm sự: “Cán bộ Hồng lên nhường cá khô, gạo cho bà con, nghĩ ra các dự án, chỉ việc cho từng bản, rồi nhân rộng mô hình qua bản khác. Kinh tế mình bây giờ khá giả nhất vùng có một phần công sức của cán bộ Hồng. Bọn trẻ con có nhiều dinh dưỡng hơn nên ít bị bệnh, bị chết như hồi xưa”.

Khích lệ niềm tự hào Mã Liềng

Từ thành công ở Cu Tồn, năm 2003, CIRT đưa anh Hồng về, giao trọng trách lớn hơn: sống với đồng bào Mã Liềng ở bản Kè (xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa) nhằm tìm lối ra cho bà con nơi đây. “Hồi mới lên, đường sá khó khăn, bùn đất là chính, rất vất vả. Lúc đó, người uy tín nhất bản là già Hồ Thân qua đời nên trong bản không còn ai dẫn dắt, phân minh. Không ai nghe ai, ruộng vườn bỏ hoang, nam nữ lao vào uống rượu, cãi lộn, đói nghèo bủa vây”, anh Hồng nhớ lại.

Lại nhiều đêm mất ngủ tìm hiểu phong tục người Mã Liềng, chia từng hạt gạo với bà con dân bản, anh Hồng xác định, cần đề xuất thành lập hội đồng già làng ở bản Kè. Thuyết phục mãi, các dòng họ trong bản mới đồng ý lập Hội đồng già làng, tục lệ được gia phong lại. Anh Hồng kể: “Chạy ngược chạy xuôi cầu cạnh, vận động được hơn 5 tỷ đồng dựng mái nhà sàn lợp ngói. Để bà con xây được nhà sàn, làm các công việc dân sinh, mình phải đưa ra từng công việc trước Hội đồng già làng để bàn bạc thống nhất. Chẳng hạn, để làm nhà sàn, phải phân công cụ thể: những người làm mộc vào tổ lấy gỗ theo quy định của kiểm lâm, người có trâu thì đi kéo gỗ, phụ nữ và trẻ em vào tổ trồng cây ngắn ngày, đi lấy sản vật ngoài gỗ về bán, nấu cơm cho tổ thợ làm nhà. Mỗi người một việc”. 

Nhờ có Hội đồng già làng, có nhà sàn, tình trạng uống rượu bừa bãi giảm dần, chỉ còn uống rượu trong các ngày lễ, cưới hỏi, đám ma, vào nhà mới; các tập tục văn hóa dần được sinh hoạt trở lại. 

Trưởng bản Kè Cao Thị Vân chia sẻ: “Hồi em còn nhỏ, thấy các già làng rất kính trọng cán bộ Hồng nên trong lòng cũng quý mến lắm. Lớn lên, làm trưởng bản, hiểu rõ những việc cán bộ Hồng làm cho đồng bào Mã Liềng, giúp đồng bào dựng nhà sàn, giúp kiếm kế sinh nhai từ rừng cộng đồng, giúp bà con biết niềm tự hào của phong tục tập quán Mã Liềng, nên càng yêu quý cán bộ hơn. Bà con Mã Liềng không biết làm lúa, cán bộ Hồng tham mưu lãnh đạo huyện thuê nông dân các xã vùng dưới lên cầm tay chỉ việc. Thế là đồng bào thành thạo ruộng lúa”.

Xây dựng chính sách bền vững

Sau hơn 20 năm, anh Ngô Văn Hồng giờ đây trở thành một chuyên gia trụ cột của Trung tâm Nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển. Anh Hồng kể: “Bây giờ nghiên cứu bản địa không chỉ đưa lại thực tế một vài bản làng xa xôi thoát nghèo, mà còn nâng tầm lên thành chính sách công trong phát triển của nhiều xã, huyện hoặc nhiều tỉnh, thậm chí những đóng góp từ thực tế điền dã đã được Ủy ban Dân tộc Quốc hội ghi nhận để thành chính sách chung”.

Năm 2015, anh Hồng cùng các cộng sự của mình thành lập Công ty Sinh thái Miền Tây Quảng Bình. “Đây là công ty phi lợi nhuận, được lập ra nhằm xây dựng thương hiệu mật ong Tuyên Hóa, phát triển măng khô của bà con Mã Liềng thành sản phẩm đạt chuẩn chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP), được đưa vào các siêu thị lớn. Hiện sản phẩm tiêu thụ rất tốt. Lợi nhuận được chuyển về tay bà con và làm thương hiệu, nên ngày nay đời sống hầu hết người Mã Liềng ở bản Kè được cải thiện”, anh Hồng cho biết. 

Nói về mô hình này, trưởng bản Cao Thị Vân đánh giá: “Người Mã Liềng làm được sản phẩm OCOP là nhờ cán bộ Hồng và anh em cán bộ. Cấp ủy chính quyền xây dựng điện, đường, trường, trạm cho bản khang trang thì cán bộ Hồng và CIRT cho bà con điểm tựa đúng hướng phát triển. Mai này du lịch sẽ được đưa vào bản làng, bà con còn phát triển tốt hơn”.

Anh Ngô Văn Hồng và các cán bộ ở CIRT không chỉ giúp từng công việc cụ thể cho đồng bào mà còn đóng góp những ý tưởng, mô hình rất tốt để các cơ quan chức năng có các đề đạt chính sách, chương trình sát sườn với đồng bào dân tộc trên khắp ba miền.

Tin cùng chuyên mục