Thông tin tại buổi họp báo, ông Trương Hải Long, Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức (Bộ Nội vụ) cho biết, liên quan tới công tác bổ nhiệm Phó Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Vĩnh Phúc đối với bà Trần Huyền Trang, theo quy định của Đảng và pháp luật hiện hành về phân cấp cán bộ, đối với các chức danh Phó Giám đốc Sở thuộc thẩm quyền quyết định của Ban Thường vụ tỉnh ủy, UBND tỉnh. Tuy nhiên, theo quy định chung, việc bổ nhiệm phải đảm bảo đúng các quy định của Đảng, Chính phủ về công tác bổ nhiệm và các quy định cụ thể của địa phương.
Ông Long dẫn theo Quy định 89 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, có đề cập các tiêu chuẩn chung gồm về chuyên môn, về chính trị, trình độ quản lý nhà nước, ngoại ngữ tin học phù hợp.
Lãnh đạo Vụ Công chức, viên chức cũng cho biết, hiện Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ dự thảo quy định tiêu chuẩn đối với chức danh lãnh đạo quản lý hành chính các cấp. Tuy nhiên, sau khi trao đổi với Trung ương, việc ban hành nghị định này sẽ lui lại một thời gian sau khi Bộ Chính trị thông qua các chức danh trong hệ thống chính trị để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất.
Trước băn khoăn việc bổ nhiệm chức danh Phó Giám đốc Sở phải đủ các tiêu chí, trong đó phải có ngạch chuyên viên chính. Lãnh đạo Vụ Công chức, viên chức khẳng định, trong Quy định số 89 nêu trên không quy định tiêu chí này và giao thẩm quyền đó cho các tỉnh ủy, thành ủy để có các quy định cụ thể. Theo đó, các chức danh mà tỉnh ủy, thành ủy quản lý không được thấp hơn các quy định chung của Đảng và Chính phủ. Tuy nhiên, các Bộ, ngành, địa phương được quyền quy định cao hơn. Nhưng nếu quy định cao hơn phải thực hiện đúng quy định, không thể nói vì quy định chung không có nên không thực hiện.
“Đến nay, tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã có văn bản báo cáo Bộ Nội vụ và các cơ quan có thẩm quyền của Đảng liên quan tới công tác bổ nhiệm cán bộ diện Thường vụ tỉnh ủy quản lý. Vụ Công chức, viên chức đã làm việc với các cơ quan chuyên môn của tỉnh Vĩnh Phúc, đã đề nghị tỉnh rà soát và có báo cáo tổng thể các trường hợp tương tự bà Trang ở tỉnh, Bộ Nội vụ sau đó sẽ đánh giá báo cáo và cũng báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”, ông Trương Hải Long cho biết.
Trước đó, theo báo cáo của ông Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ, năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, Bộ Nội vụ đã đề ra phương châm hành động của năm là “Kỷ cương, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”, theo đó, toàn ngành nội vụ tiếp tục triển khai thực hiện các văn bản, đề án, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành nội vụ tiếp tục nỗ lực hơn nữa, vượt qua khó khăn, thách thức, bám sát thực tiễn, hành động quyết liệt để hoàn thành nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao.
Nổi bật trong thời gian qua là công tác xây dựng thể chế, chính sách. Trong quý I-2021, Bộ đã trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn để Chính phủ trình UBTVQH đưa vào chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2021; và một số các Nghị định khác liên quan tới thanh niên, cơ chế, chính sách và biện pháp thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; dự thảo Nghị định quy định về chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện.
Đặc biệt, Bộ Nội vụ đã báo cáo UBTV Quốc hội cho ý kiến xem xét, quyết định việc điều chỉnh địa giới hành chính của một số đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Đắk Nông, thành lập thị trấn, phường thuộc các tỉnh Bình Định, Bắc Ninh, Hòa Bình...
Thời gian tới, trong nhiều nhiệm vụ quan trọng của Bộ Nội vụ, Bộ này sẽ ban hành thông tư quy định về chức danh, mã số ngạch và tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn các ngạch công chức chuyên ngành hành chính.