Công tác phòng, chống tham nhũng được tỉnh Thừa Thiên-Huế xác định là một nhiệm vụ trọng tâm, luôn gắn liền với nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. UBND tỉnh đã đôn đốc, kiểm tra các cấp, các ngành thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng và thực hiện chương trình, kế hoạch phòng, chống tham nhũng theo quy định và đã từng bước đẩy lùi tham nhũng, giữ gìn ổn định an ninh chính trị, đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.
Báo cáo với đoàn công tác, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết về biên chế công chức trong năm 2019, Thừa Thiên-Huế được Trung ương phân bổ 2.130 biên chế công chức, giảm 46 biên chế công chức so với năm 2018. Số lượng người làm việc năm 2019 trong các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh là 26.871 người (trong đó, viên chức là 25.454 người và hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP là 1.417 người), giảm so với năm 2018 là 1.085 người. Đến nay, toàn tỉnh đã giảm 1.544 người so với năm 2015 (đạt 5,4%).
Về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, trên cơ sở các Đề án vị trí việc làm trong các cơ quan hành chính nhà nước, UBND tỉnh đã tổng hợp, thẩm định, xây dựng Đề án chung của toàn tỉnh, báo cáo Bộ Nội vụ xem xét, phê duyệt danh mục vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính tỉnh Thừa Thiên-Huế với 322 vị trí việc làm. Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức cho Sở Nội vụ, Thanh tra tỉnh, Sở Tài chính, Sở Tư pháp. Phấn đấu đến ngày 30-6, UBND tỉnh sẽ tiếp tục phê duyệt Đề án cho các đơn vị, địa phương còn lại để làm cơ sở cho việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc phạm vi quản lý.
Ngoài ra, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã phê duyệt đề án tinh giản biên chế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2021; trong đó, xác định chỉ tiêu giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước từng năm, bảo đảm đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% (bình quân mỗi năm giảm tối thiểu 2,5%) biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015. Theo đó, đến năm 2021 tỉnh Thừa Thiên Huế phải giảm 224 chỉ tiêu biên chế công chức so với năm 2015, giảm 2.841 người làm việc (viên chức) so với năm 2015 và giảm 86 chỉ tiêu Hợp đồng 68 so với năm 2017.
Đến nay, tỉnh đã thực hiện giảm 114 chỉ tiêu biên chế công chức, 1.544 người làm việc. Tỉnh đã giải quyết hỗ trợ chính sách tinh giản biên chế cho 312 người; trong đó, 31 công chức cấp tỉnh, huyện; 161 viên chức; 86 cán bộ, công chức cấp xã; 1 hợp đồng 68; 23 công chức khối Đảng và 10 cán bộ doanh nghiệp. Đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã và thôn, tổ dân phố đã giảm khoảng 1.260 người.
Đối với việc sắp xếp cấp huyện, cấp xã, tỉnh đã rà soát tiêu chuẩn các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã theo quy định của Trung ương. Qua rà soát có 7 đơn vị hành chính cấp xã phải sáp nhập trong giai đoạn 2019-2021, do không đạt 50% cả hai tiêu chuẩn do pháp luật quy định. Vì vậy, tỉnh đang xây dựng phương án báo cáo Bộ Nội vụ tổng thể về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã.
Về tuyển dụng công chức, viên chức, từ tháng 6-2012 đến 31-12-2018 là 4.696 người; trong đó: có 375 công chức và 4.319 viên chức.
Thành viên Tổ công tác cho rằng, đối với tinh giản biên chế, đề nghị UBND tỉnh báo cáo rõ có bao nhiêu trường hợp tinh giản biên chế theo hướng cắt giảm trên số biên chế chưa sử dụng hoặc chuyển sang cơ chế tự chủ và bao nhiêu trường hợp thực hiện việc cơ cấu lại đội ngũ và tinh giản đối với những người không hoàn thành nhiệm vụ, năng lực yếu theo quy định.
Bên cạnh đó, đề nghị UBND tỉnh cần đẩy mạnh việc thực hiện việc tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; có giải pháp hiệu quả để tinh giản biên chế đối với những người không hoàn thành nhiệm vụ, năng lực yếu theo quy định chưa thực sự hiệu quả, phấn đấu đến năm 2021 phải tinh giản biên chế đạt tối thiểu 10% theo quy định.
Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên-Huế Bạch Chơn Đông cho biết, trong điều kiện “7 giảm và 1 tăng” đó là giảm tổ chức bộ máy, giảm biên chế, giảm kinh phí… nhưng phải tăng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, dẫn đến nhiều khó khăn, vướng mắc chủ yếu do thể chế chậm được sửa đổi, bổ sung. Một số đơn vị khó phân biệt là đơn vị quản lý nhà nước hay đơn vị sự nghiệp công lập.
Đối với tinh giản biên chế theo chỉ tiêu 10% nếu không tinh giản khối sự nghiệp y tế và giáo dục thì khó đảm bảo chỉ tiêu. Trong khi đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải bố trí đầy đủ nhân sự đối với khối sự nghiệp giáo dục và y tế; như vậy, không những khó tinh giản mà còn có thể tăng biên chế.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đồng thời chỉ ra một số hạn chế cần khắc về hoạt động công vụ tại tỉnh. Theo đó, Bộ trưởng cho biết, tỉnh Thừa Thiên-Huế với công tác tham mưu trong việc thực hiện các chương trình hành động, các Nghị quyết của Trung ương chưa thực sự quyết liệt, chưa có đột phá; quản lý biên chế, tuyển dụng công chức, viên chức, tinh giản biên chế chưa rõ, cần được bổ sung thêm; tại tỉnh vẫn còn tình trạng bổ nhiệm chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định.