Theo tờ trình, thành lập Bộ Tài chính trên cơ sở hợp nhất Bộ KH-ĐT và Bộ Tài chính. Bộ này cơ bản kế thừa chức năng, nhiệm vụ hiện giao cho Bộ KH-ĐT và Bộ Tài chính và tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu đối với 18 tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp quản lý.
Thành lập Bộ Xây dựng trên cơ sở hợp nhất Bộ Xây dựng và Bộ GTVT. Bộ này cơ bản kế thừa chức năng, nhiệm vụ hiện giao cho 2 bộ; đồng thời chuyển chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ từ Bộ GTVT về Bộ Công an.
Thành lập Bộ Nông nghiệp và Môi trường trên cơ sở hợp nhất Bộ NN-PTNT và Bộ TN-MT. Bộ này cơ bản kế thừa chức năng, nhiệm vụ hiện giao cho 2 bộ và tiếp nhận nhiệm vụ quản lý nhà nước về giảm nghèo từ Bộ LĐTB-XH.
Thành lập Bộ KH-CN trên cơ sở hợp nhất Bộ TT-TT và Bộ KH-CN, cơ bản kế thừa chức năng, nhiệm vụ hiện giao cho 2 bộ này; đồng thời chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý về báo chí, xuất bản từ Bộ TT-TT sang Bộ VH-TT-DL.
Thành lập Bộ Nội vụ trên cơ sở hợp nhất Bộ LĐTB-XH và Bộ Nội vụ, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Bộ Nội vụ hiện nay và chức năng quản lý nhà nước về lao động, tiền lương, việc làm, người có công, an toàn, vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội, bình đẳng giới từ Bộ LĐTB-XH; chuyển chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Bộ LĐTB-XH sang Bộ GD-ĐT; chuyển chức năng quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội từ Bộ LĐTB-XH sang Bộ Y tế; chuyển nhiệm vụ quản lý nhà nước về giảm nghèo từ Bộ LĐTB-XH sang Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Riêng nhiệm vụ quản lý nhà nước về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy được chuyển sang Bộ Công an.
Thành lập Bộ Dân tộc và Tôn giáo trên cơ sở Ủy ban Dân tộc hiện nay và tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tôn giáo từ Bộ Nội vụ và bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về dân tộc.
Tờ trình của Bộ Nội vụ cũng nêu rõ, việc duy trì các bộ, cơ quan ngang bộ, gồm: Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Bộ Tư pháp; Bộ Công Thương; Bộ VH-TT-DL; Bộ Ngoại giao; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế; Văn phòng Chính phủ; Thanh tra Chính phủ; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Cũng theo tờ trình, sau khi được Quốc hội xem xét và có nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Chính phủ sẽ chỉ đạo tổ chức sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc của Chính phủ, bảo đảm phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm giữa Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ và bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Chính phủ cũng sẽ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, bảo đảm bộ máy hành chính thống nhất, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.