Theo ông Nguyễn Văn Mười, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, toàn tỉnh có 716 tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm và chưa được cấp giấy phép khai thác thủy sản). Các tàu này đều có chiều dài từ 6m trở lên, tập trung nhiều nhất tại huyện Lý Sơn với 228 tàu, thị xã Đức Phổ 186 tàu, TP Quảng Ngãi 160 tàu...
Đồng thời, hàng trăm tàu cá “2 không” là những tàu được cấp giấy chứng nhận đăng ký tàu cá nhưng chưa đăng kiểm và thiếu giấy phép khai thác thủy sản. Điều này khiến hàng trăm tàu cá nằm bờ, chủ tàu vay tiền đóng mới nhưng không thể ra khơi, nợ nần, khó khăn chồng chất.
Tàu cá của ngư dân Nguyễn Thơm (xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi) nằm bờ vì chưa đăng kiểm, chưa có giấy phép khai thác thủy sản |
Trước thực trạng này, Bộ NN-PTNT đã yêu cầu tỉnh Quảng Ngãi rà soát, thống kê tàu cá chưa đăng kiểm, đăng ký, ngăn chặn tàu cá vi phạm khai thác IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định) và đề xuất giải pháp quản lý. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi giao Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan triển khai thực hiện và báo cáo UBND tỉnh, Bộ NN-PTNT.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, với việc lập danh sách và đề xuất giải pháp quản lý, đây là cơ hội để tàu cá chưa đăng ký đang hoạt động khai thác thủy sản được đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản theo quy định của Luật thủy sản năm 2017, thời gian thực hiện dự kiến trước quý II, năm 2024. Vì vậy, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi đề nghị tổ chức rà soát lại và bổ sung thông tin tàu cá chưa đăng ký, báo cáo kết quả trước ngày 9-12.
Sở NN-PTNT tỉnh xác định đây là nhiệm vụ quan trọng để Bộ NN-PTNT xem xét sửa đổi quy định đưa khối tàu chưa đăng ký vào quản lý, giải quyết những khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá trong thời gian qua, nhằm triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp về chống khai thác IUU trong thời gian đến.