Theo nhận định, trong thời gian tiếp theo của mùa khô, ở vùng các cửa sông Cửu Long, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục lên cao theo các kỳ triều cường. Từ ngày 21 đến 27-2, ranh mặn vào sâu cao nhất khoảng 55km, giảm khoảng 20km so với đợt xâm nhập mặn giữa tháng 2-2020; từ ngày 7 đến 15-3 xâm nhập mặn ở mức rất cao, ranh mặn 4g/lít ở mức 80km, sâu hơn 5km so với đợt xâm nhập mặn giữa tháng 2-2020; từ cuối tháng 3, xâm nhập mặn sẽ giảm dần do các hồ chứa thượng nguồn tăng lưu lượng xả nước như tương tự một số năm gần đây. Ở vùng các sông Vàm Cỏ và sông Cái Lớn, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao đến hết tháng 4-2020.
Để ứng phó, giảm thiệt hại, đảm bảo không để thiếu nước sinh hoạt, Bộ NN-PTNT báo cáo Thủ tướng các giải pháp sẽ triển khai như: Khoan giếng bổ sung nguồn nước ngọt, kéo dài đường ống từ các nhà máy nước tập trung; kêu gọi các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp tư nhân hỗ trợ bồn nhựa trữ nước; đầu tư vòi công cộng, bồn nhựa, túi nhựa dẻo lớn đặt tại UBND xã, nhà văn hóa... để cung cấp nước cho người dân. Chuẩn bị phương án huy động các xe bồn lưu động chở nước ngọt cho khoảng 40.000 hộ dân sống phân tán tại các tỉnh Kiên Giang, Bến Tre, Long An, Cà Mau, Trà Vinh. Lắp đặt hệ thống lọc nước mặn, nước lợ (thiết bị RO) tại tỉnh Bến Tre, Trà Vinh.
Xây mới, nâng cấp, sửa chữa các công trình cấp nước tập trung (Cà Mau 30 công trình, Sóc Trăng 3 công trình, Kiên Giang 5 công trình). Mở rộng, kéo dài tuyến ống cấp nước cho các hộ dân khu vực lân cận (Long An mở rộng cho 32.350 hộ dân, Kiên Giang mở rộng cho 7.880 hộ dân...). Xây dựng các hồ trữ nước ngọt từ hệ thống sông, kênh cụt (Trà Vinh, Long An, Bến Tre, Hậu Giang).