Ông Nguyễn Đức Quang, Cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục sự cố thiên tai và ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai trả lời những vấn đề dư luận đang quan tâm, bức xúc này.
Theo giải thích của ông Nguyễn Đức Quang thì việc cấp biển xe hộ đê của văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai là đúng quy định và làm chặt chẽ. Đến nay theo thống kê của Tổng cục Phòng chống thiên tai thì có 858 hồ sơ xin cấp biển xe hộ đê nhưng chỉ cấp cho 568 hồ sơ hợp lý. Việc cấp biển xe hộ đê do Ban chỉ đạo Trung ương và các ban chỉ huy ở các địa phương thực hiện.
Sau khi rà soát, Tổng cục Phòng chống thiên tai phát hiện có một số xe được cấp biển xe hộ đê hợp pháp nhưng lại sử dụng không đúng quy định như hết hạn nhưng vẫn tiếp tục sử dụng, một số là biển giả.
Còn theo ông Trần Quang Hoài bổ sung, tình trạng sử dụng biển hộ đê giả rất nghiêm trọng và các đối tượng sử dụng nhiều hình thức tinh vi như lấy biển hộ đê cũ rồi photo hoặc scan để qua trạm. Thậm chí còn giả cả con dấu, chữ ký, mẫu mã...
Đề cập giải pháp để ngăn chặn vấn nạn xài biển xe hộ đê giả nhằm trốn phí khi qua các trạm, ông Nguyễn Đức Quang cam kết rằng cơ quan chịu trách nhiệm là Tổng cục Phòng chống thiên tai sẽ rà soát lại các xe được cấp biển xe hộ đê và bổ sung thêm quy trình cấp xét xe hộ đê, đặc biệt là sẽ xem xét cả lý lịch xe, yêu cầu gửi cả ảnh chụp biển xe xem có đúng xe công vụ biển xanh không?
Còn theo ông Trần Quang Hoài, để ngăn chặn và phòng ngừa, hàng năm Tổng cục Phòng chống thiên tai sẽ thay đổi mẫu biển xe hộ đê, cần thiết thì dán tem nhãn chống làm giả.
Đối với những địa phương cấp quá nhiều biển cho xe hộ đê như trường hợp tại tỉnh Hải Dương, người có quyền cấp biển phải chịu trách nhiệm. Theo ông Hoài, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương đã có văn bản giải trình về tình trạng cấp số lượng lớn biển hộ đê.