Trái bòn bon |
Ngày 29-9, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết, sản lượng bòn bon ở đồng bằng sông Cửu Long là rất nhỏ, mà Việt Nam chủ yếu nhập khẩu (khoảng 1.800-2.000 tấn/năm) từ Thái Lan về để tiêu thụ.
Lượng bòn bon xuất khẩu của Việt Nam chưa được 300kg mỗi năm. Riêng thị trường Iceland, từ đầu năm đến nay chỉ xuất khẩu 6 lô và một lô bị cảnh báo trên hệ thống thông báo của Liên minh châu Âu (EU).
Mặc dù sản lượng trồng và xuất khẩu ít, song bà Nguyễn Thị Thu Hương khẳng định, không thể buông lỏng quản lý sau vụ trái bòn bon bị Iceland "tuýt còi". Cục Bảo vệ thực vật sẽ tổ chức chiến dịch tuyên truyền để người dân hiểu, sản xuất đúng quy trình, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Còn về thông tin Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu đối với 74 mã số vùng trồng và 47 cơ sở đóng gói trái cây vi phạm kiểm dịch thực vật, bà Nguyễn Thị Thu Hương khẳng định, thông tin này là không chính xác.
Chế biến trái cây xuất khẩu. Ảnh: TÙNG ĐINH |
Việc này là do Việt Nam chủ động tạm dừng, thu hồi các mã số này để rà soát lại hệ thống, yêu cầu các biện pháp khắc phục nhằm chủ động đáp ứng quy định của nước nhập khẩu.
Theo đại diện Cục Bảo vệ thực vật, nếu để nước nhập khẩu thu hồi thì khi đó việc đàm phán để tháo gỡ sẽ mất rất nhiều thời gian. Bởi, trong 8 tháng năm 2023, đã có 370 lô hàng chuối, xoài, thanh long, sầu riêng, mít bị cảnh báo do liên quan đến mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.