Buổi làm việc có sự tham gia của đại diện Sở An toàn thực phẩm TPHCM, Sở Công thương TPHCM, Sở NN-PTNT TPHCM.
Theo báo cáo, những ngày cận tết, lượng hàng về chợ đầu mối tại TPHCM tăng 80% so với ngày thường, lên đến 13.000 - 15.000 tấn/ngày. Lượng khách mua sắm tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi cũng tăng 50% - 80%; kênh phân phối hoạt động hiệu quả, liên tục, không để trống kệ hàng, không để ùn ứ khách hàng mua sắm tết...
Thành phố tổ chức 316 đoàn kiểm tra 1.692 cơ sở về điều kiện vật chất, điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP), chất lượng thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ... Kết quả, phát hiện 47 cơ sở vi phạm, xử phạt 63,8 triệu đồng. Đoàn kiểm tra lấy mẫu kiểm nghiệm các mặt hàng tiêu thụ chủ yếu trong dịp tết như thịt và các sản phẩm thịt, rau củ, quả, bánh kẹo, mứt, nước giải khát...
Năm 2024, chỉ số giá tiêu dùng bình quân của thành phố chỉ tăng 3,24% so với cùng kỳ, thấp hơn bình quân cả nước. TPHCM triển khai chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa (Tick xanh trách nhiệm) với sự tham gia của 8 tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam.
Trên địa bàn thành phố hiện có 3 chợ đầu mối, 229 chợ dân sinh, 52 trung tâm thương mại, 271 siêu thị và hơn 3.300 cửa hàng tiện lợi, hơn 40.000 cửa hàng tạp hóa. Để đảm bảo cung ứng hàng hóa những ngày cận tết, các hệ thống phân phối hàng hoá đã tăng cường nhân lực, tăng công suất phục vụ, kéo giãn thời gian hoạt động.
Tại buổi làm việc, bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM cho biết, từ 1 tháng trước tết, cơ quan chức năng đã thực hiện kiểm tra, giám sát ATTP, tập trung vào khâu sản xuất. Thời điểm hiện tại, tập trung vào khâu kinh doanh.
Năm 2024, cơ quan chức năng lấy mẫu kiểm định thực phẩm nhiều hơn và phát hiện số vi phạm ít hơn. Với thực phẩm tươi sống, ngoài hoạt động đánh giá nguy cơ thì cơ quan chức năng sẽ test nhanh sàng lọc. Bản thân các siêu thị cũng tiến hành tự test nhanh và ngưng tiêu thụ nếu phát hiện mặt hàng vi phạm ATTP.
Tuy nhiên, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM bày tỏ lo ngại về tình trạng giết mổ heo ở lò mổ thủ công ở địa phương khác rồi đem về tiêu thụ tại TPHCM. Thực trạng này đòi hỏi cần có giải pháp đồng bộ và quyết liệt, nhằm đảm bảo chất lượng nguồn thịt heo an toàn cho người dân thành phố cũng như công bằng cho hoạt động giết mổ công nghiệp.
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nhận định, TPHCM là thành phố lớn của cả nước nên nhu cầu về thực phẩm và ATTP rất lớn. Thời điểm này, thành phố đã có kế hoạch chi tiết, cụ thể về công tác đảm bảo chất lượng hàng hoá, ATTP dịp Tết Nguyên đán; triển khai thanh tra, kiểm tra gắn liền với tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành quy định về ATTP.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá cao chương trình Tick xanh trách nhiệm của TPHCM với sự tham gia của 8 tập đoàn bán lẻ lớn, góp phần ngăn chặn sản phẩm bẩn, sản phẩm kém chất lượng đến tay người tiêu dùng. Thành phố đã ký kết với 15 tỉnh, thành phố phát triển chuỗi thực phẩm an toàn, kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất ban đầu đến cơ sở sơ chế, giết mổ, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông sản.
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT đề nghị TPHCM tiếp tục phát huy những giải pháp hiệu quả thời gian qua trong công tác đảm bảo ATTP, tập trung xây dựng chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, nhất là với các cơ sở nhỏ lẻ và cơ sở giết mổ thủ công khu vực vành đai giáp ranh thành phố; nâng cao trách nhiệm chấp hành quy định pháp luật của cơ sở sản xuất, phân phối...
Sáng cùng ngày, đoàn kiểm tra tiến hành khảo sát thực tế tại Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam (TP Thủ Đức). Đại diện Công ty Mega Market Việt Nam cho hay, thời gian qua, quá trình kiểm tra lấy mẫu ghi nhận một số mặt hàng thuỷ sản có dư lượng kháng sinh. Các lô hàng vi phạm bị ngưng tiếp nhận, sau đó kiểm định lại tại nguồn theo quy trình đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, Mega Market tham gia chương trình “Tick xanh trách nhiệm” của TPHCM, đảm bảo cung ứng sản phẩm chất lượng và minh bạch đến người dân thành phố.
Đoàn kiểm tra đánh giá cao hệ thống kiểm soát chất lượng bài bản của công ty, hàng hoá phục vụ tết dồi dào, đa dạng. Tuy nhiên, quá trình khảo sát cũng ghi nhận một số tồn tại cần khắc phục như: nhân viên khu sơ chế và chế biến thực phẩm chưa thực hiện bảo hộ đúng quy định, không đeo găng tay và khẩu trang, nhà xưởng chưa phân rõ ràng hàng thải loại, một số mã QR không truy cập được đầy đủ thông tin thực phẩm...