Bộ NN-PTNT khống chế hàm lượng formaldehyde trong keo dán gỗ

Do các nước nhập khẩu và tiêu thụ đồ gỗ có cảnh báo chất formaldehyde là một thành phần có trong các loại keo dán gỗ, nếu sử dụng hàm lượng ở mức cao sẽ nguy hại cho sức khỏe, nên Bộ NN-PTNT đã có thông tư yêu cầu quản lý và kiểm soát.
Đồ gỗ công nghiệp ngày càng được sử dụng nhiều

Chiều 26-10, Văn phòng Tổng cục Lâm nghiệp đã thông tin tới báo chí về việc vào ngày 25-10, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đã ký ban hành Thông tư số 16 về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về keo dán gỗ (bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 25-4-2023). 

Quy chuẩn này nhằm yêu cầu quản lý và kiểm soát mức giới hạn đối với hàm lượng formaldehyde tự do trong keo dán gỗ được sản xuất trong nước, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường Việt Nam. 

Theo quy định mới, hàm lượng formaldehyde tự do trong keo dán gỗ kể từ ngày 25-4-2023 không được vượt quá 1,4% theo khối lượng và các loại keo dán gỗ phải được công bố hợp quy theo giới hạn này. 

Việc công bố hợp quy được thực hiện dựa trên kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận đã đăng ký hoặc được thừa nhận theo quy định của pháp luật.

Theo yêu cầu của Bộ NN-PTNT, các loại keo dán gỗ lưu thông trên thị trường phải ghi nhãn trên bao gói sản phẩm và bắt buộc phải ghi định lượng thành phần formaldehyde tự do trong sản phẩm, hàng hóa. Các loại keo dán gỗ khi lưu thông trên thị trường phải được đóng gói bao bì hoàn chỉnh, không bị lộ thiên.

“Đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu keo dán gỗ đã được cấp Giấy chứng nhận hợp quy theo QCVN 03-01:2018/BNNPTNT trước ngày thông tư này có hiệu lực thì tiếp tục được sử dụng cho đến ngày hết hiệu lực ghi trên giấy chứng nhận đó” - thông tư lưu ý. 

Theo Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), năm 2021, xuất khẩu gỗ của Việt Nam đã đứng thứ 6 về kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, đạt 14,809 tỷ USD, tăng 19,7% so với năm 2020. Việt Nam đã xuất siêu tới 11,88 tỷ USD trong năm 2021 (con số này của năm 2012 là 9,813 tỷ USD).

Các năm trước, xuất khẩu lâm sản trở thành điểm sáng của Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu gỗ và lâm sản tiếp tục tỏa sáng, nhưng từ tháng 7 đến nay đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới. Tuy nhiên, tiềm năng xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam vẫn còn rất lớn trong thời gian tới. 

Formaldehyde là chất thường sử dụng trong gỗ công nghiệp MFC, MDF - không chỉ để xuất khẩu mà còn được tiêu dùng nhiều ở thị trường nội địa (nhiều nhất là ván sàn). Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới liệt kê formaldehyde vào loại hóa chất độc hại đối với sức khỏe con người.

Cơ thể con người nếu tiếp xúc với formaldehyde trong thời gian dài thì dù hàm lượng cao hay thấp cũng gây ra các tác hại nghiêm trọng cho da và hệ thống hô hấp, các bệnh về bạch cầu, gây ung thư nhiều cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là ung thư đường hô hấp như mũi, họng, phổi…

Formaldehyde là tác nhân gây ra sai lệch và biến dị các nhiễm sắc thể, phụ nữ có thai bị nhiễm có thể bị ảnh hưởng đến sự phát triển của bào thai.

Tin cùng chuyên mục