Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cũng cho biết, qua đánh giá của các nhà khoa học thì mỗi năm chúng ta có thể mất khoảng 500ha đất do sạt lở. Do đó, Nhà nước rất quan tâm vấn đề này và chỉ đạo nhiều giải pháp phòng chống, giảm tình trạng sạt lở. Tới đây, cần hạn chế và cân nhắc kỹ khi xây dựng những công trình ven sông, gần nơi sạt lở; giảm mạnh việc khai thác cát, hạn chế chuyển cát ra khỏi lòng sông. Trường hợp có khai thác cát thì phải nghiên cứu hợp lý giữa nơi thừa, nơi thiếu. Tăng cường việc cảnh báo nguy cơ sạt lở để thông báo cho người dân biết, đề phòng. Trong chuyến khảo sát này, Bộ NN-PTNT sẽ tham mưu với Chính phủ những biện pháp hỗ trợ, cũng như cách khắc phục sự cố sạt lở ở sông Vàm Nao.
Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng và đoàn công tác đi khảo sát sạt lở ở An Giang vào ngày 25-4
Thông tin với đoàn công tác của Bộ NN-PTNT, ông Trương Trung Lập, Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Trương Trung Lập cho biết, chiều dài bờ sông có nguy cơ sạt lở ở mức đặc biệt lên đến 260m. Ngoài 14 căn nhà và 2 nền nhà bị đổ sụp xuống sông, thì còn có 108 hộ khác bị ảnh hưởng và địa phương khẩn cấp di dời hết tài sản và người dân ra khỏi vùng sạt lở nguy hiểm; đồng thời cấm biển báo, bố trí lực lượng trực xuyên suốt. Để ổn định đời sống người dân, bước đầu huyện hỗ trợ cho 58 hộ đã di dời và bị sạt lở với số tiền 1 tỷ 160 triệu đồng từ ngân sách. Các tổ chức đoàn thể cũng vận động và hỗ trợ bà con tổng số tiền gần 80 triệu đồng...
Sạt lở nghiêm trọng ở sông Vàm Nao (An Giang) có nguy cơ lan rộng bởi xuất hiện thêm nhiều vết nứt
Chứng kiến nhiều căn nhà tường bị đổ ụp xuống sông, nhiều căn nhà khác buộc phải di dời khẩn cấp ra khỏi vùng nguy hiểm… Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng nhìn nhận, đây là vụ sạt lở bờ sông nghiêm trọng và rất phức tạp, trong đó thiệt hại về tài sản của người dân là khá lớn. Theo nhận định ban đầu, sạt lở có thể do tác động của biến đổi khí hậu; trong đó không loại trừ vấn đề xây dựng các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong, những đập thủy điện này đã giữ lại một lượng cát rất lớn, từ đó tác động tiêu cực đến hiện tượng sạt lở bờ sông và bờ biển ở vùng ĐBSCL. Bên cạnh đó, việc xây dựng những công trình ven sông, tình trạng khai thác cát tràn lan… cũng góp phần gây ra sạt lở ngày càng lan rộng.