Bộ NN-PTNT kết nối cung cầu dự án khoa học, doanh nghiệp muốn “đặt hàng”

Chiều 10-7, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT đã khai mạc diễn đàn kết nối các sản phẩm khoa học công nghệ, đồng thời tổ chức không gian trưng bày, giới thiệu các sản phẩm khoa học công nghệ của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, diễn đàn này được tổ chức như một sự kiện kết nối cung - cầu cho các sản phẩm khoa học công nghệ và tìm cơ hội liên kết, hợp tác giữa nhà khoa học với các doanh nghiệp hoạt động trong ngành nông nghiệp của Việt Nam.

IMG_0455.jpeg
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì và phát biểu tại diễn đàn, chiều 10-7

Theo đại diện Bộ NN-PTNT, hợp tác nghiên cứu và chuyển giao sản phẩm khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất, mang lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, hợp tác xã cùng bà con nông dân luôn là mục tiêu xuyên suốt của ngành nông nghiệp trong nhiều năm qua.

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, khẳng định, thị trường là "bà đỡ" của các nhà khoa học trong ngành nông nghiệp. Hiện nay, nhu cầu phát triển sản xuất, gia tăng giá trị của các doanh nghiệp là rất lớn. Do đó, “việc đặt hàng từ các doanh nghiệp là động lực để các nhà khoa học bắt tay ngay vào từ giai đoạn nghiên cứu”, ông Sơn nói.

IMG_0451.jpeg
Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Hồng Sơn phát biểu

Theo ông Sơn, hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã và đang rất quan tâm tới việc đầu tư cho nghiên cứu khoa học công nghệ, ứng dụng trong sản xuất. Nhiều doanh nghiệp đã trích kinh phí từ quỹ phát triển để đầu tư cho nghiên cứu hoặc nhận chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật.

“Ở Thái Lan chỉ cùng một giống nhưng các doanh nghiệp sản xuất liên tục tìm cách cải tiến giống đó bằng việc đặt hàng với các viện, nhà khoa học để không ngừng cải thiện năng suất, chất lượng và tăng giá trị”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nông nghiệp Việt Nam cho biết.

Khẳng định việc nhanh chóng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật là chìa khóa để thành công của doanh nghiệp nông nghiệp, bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam, cho biết, doanh thu mỗi năm đạt tới 3.000 tỷ đồng. Trong đó hàng năm, doanh nghiệp này đã chi ra một số tiền không nhỏ để mua đứt các giống tốt… Từ năm 2006 đến nay, đơn vị này đã phối hợp với các viện nghiên cứu công lập để chuyển giao sản phẩm khoa học công nghệ vào sản xuất. Những giống này chiếm gần 50% cơ cấu doanh thu của tập đoàn.

IMG_0454.jpeg
Chủ tịch Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam Trần Kim Liên chia sẻ tại diễn đàn, chiều 10-7

Theo bà Liên, chính các doanh nghiệp hiểu thị trường cần gì khi bỏ tiền đầu tư trong ngành nông nghiệp và để thành công thì phải năng động, nắm bắt nhanh thời cuộc. Chẳng hạn, nhiều doanh nghiệp hiện nay nắm được xu thế chọn tạo giống lúa không chỉ đáp ứng yêu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn cần phải có hàm lượng dinh dưỡng cao và hàm lượng đường phải thấp; hoặc như trong sản xuất ngô (bắp) thì xu thế mới là không chỉ có màu sắc bắt mắt mà còn phải có mùi thơm (ví dụ như mùi dứa).

“Chúng tôi đang có nhu cầu nghiên cứu, chuyển giao một loại dưa chuột có thể chịu nhiệt trồng tại Việt Nam để phục vụ công nghiệp chế biến mà không phải nhập khẩu từ Hà Lan. Chúng tôi sẵn sàng trả tiền để đặt hàng các nhà nghiên cứu, khoa học trong nước”, Chủ tịch Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam chia sẻ.

IMG_0459.jpeg
Bà Phạm Thị Ngọc Hà, Tổng Giám đốc Công ty San Hà cũng cho biết, sẵn sàng đặt hàng các nhà khoa học nghiên cứu những sản phẩm mới

Bà Liên cũng cho rằng, trong liên kết giữa doanh nghiệp và nhà khoa học, để thành công thì cần dự báo được sự thay đổi xu hướng tiêu dùng để từ đó định hướng cho công tác nghiên cứu khoa học. Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách để phát huy mạnh hơn cơ chế hợp tác công - tư trong nghiên cứu khoa học với những chương trình dài hơi hơn (từ nghiên cứu đến khảo nghiệm, chuyển giao…) để doanh nghiệp được tham gia, thu hút được vốn đầu tư của doanh nghiệp tư nhân.

IMG_0460.jpeg
Đại diện nhiều doanh nghiệp cùng phát biểu tại diễn đàn về khoa học công nghệ trong nông nghiệp, chiều 10-7

“Luật Sở hữu trí tuệ đã có và Bộ NN-PTNT cần có ý kiến về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để các doanh nghiệp có thể yên tâm đầu tư cho nghiên cứu hoặc nhận chuyển giao”, bà Liên đề nghị.

IMG_0457.jpeg
Một số sản phẩm nghiên cứu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam được trưng bày và giới thiệu tại sự kiện. Ảnh: VĂN PHÚC

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị cần đẩy mạnh cơ chế đặt hàng giữa nghiên cứu và sản xuất, giữa doanh nghiệp và nhà khoa học nhưng để doanh nghiệp đặt hàng thì các nhà khoa học phải có mẫu hàng để giới thiệu.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược Phát triển thị trường sản phẩm khoa học công nghệ. Đã là thị trường thì phải có người bán và người mua, nhưng trong quá trình hợp tác nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng… cần có sự kết nối thông tin để thoát khỏi tình trạng mù mờ trong nghiên cứu khoa học hiện nay.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đồng tình với kiến nghị của các doanh nghiệp và cho rằng, cần minh bạch hóa các dự án khoa học công nghệ của Bộ NN-PTNT để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia sâu sắc hơn.

Trong khuôn khổ của diễn đàn, Bộ NN-PTNT đã tổ chức 8 lễ ký kết chuyển giao sản phẩm khoa học giữa các cơ quan nghiên cứu và doanh nghiệp nhận chuyển giao, dưới sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT.

Tin cùng chuyên mục