Công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu:
Hiện nay, dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp trên phạm vi cả nước. TP Hà Nội, TPHCM và nhiều tỉnh, thành đã thực hiện việc giãn cách xã hội theo Chỉ thỉ 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Đến nay, nhiều tỉnh thành đã ban hành danh mục các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu nhưng còn thiếu một số hàng hóa, vật tư phục vụ cho sản xuất. Việc đăng ký cấp giấy chứng nhận cho xe vận chuyển theo "luồng xanh" còn khó khăn, chưa kịp thời. Nhiều chốt kiểm tra chưa có làn ưu tiên cho xe "luồng xanh", nên mất nhiều thời gian cho việc khai báo, ảnh hưởng đến chất lượng hàng hoá, đặc biệt là hàng tươi sống.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, trong những ngày gần đây, Bộ NN-PTNT nhận được phản ánh của nhiều doanh nghiệp chăn nuôi, thủy sản và trồng trọt về việc không duy trì được sản xuất, ứ đọng sản phẩm do việc lưu thông giống, thức ăn chăn nuôi và các sản phẩm qua các chốt kiểm tra gặp nhiều khó khăn.
Vừa qua, ngày 25-7, Thủ tướng đã ban hành văn bản hỏa tốc số 1015/TTg-CN về việc chỉ đạo vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân vùng có dịch Covid-19. Để đảm bảo phục vụ kịp thời người tiêu dùng, duy trì sản xuất, chủ động tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Bộ NN-PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, đơn vị và chính quyền các cấp song song với việc kiểm soát phòng chống dịch thì cần:
Tạo điều kiện thuận lợi nhất để lưu thông hàng hóa, dịch vụ thiết yếu nhanh chóng phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng như giống, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi; vật tư thiết bị phục vụ duy trì sản xuất; sản phẩm nông nghiệp - đặc biệt là sản phẩm tươi sống như con giống, thịt, trứng, sữa, thủy - hải sản, rau quả...
Cần hướng dẫn kịp thời, cấp giấy phép cho xe vận chuyển theo "luồng xanh" nhanh nhất từ khi làm xong thủ tục đăng ký; những chốt kiểm soát dịch bệnh cần bố trí làn đường ưu tiên cho xe "luồng xanh", để tránh ách tắc giao thông, nếu đi chung với các loại phương tiện khác sẽ mất nhiều thời gian làm ảnh hưởng đến sản xuất, đặc biệt là chất lượng sản phẩm tươi sống.
Các địa phương thực hiện giãn cách xã hội cần xây dựng những trạm trung chuyển hàng hóa vừa đảm bảo phòng chống dịch vừa đảm bảo lưu thông tốt hàng hóa.
Bộ NN-PTNT cũng đề nghị căn cứ vào khoản 3 Điều 4 của Luật giá, cần ban hành kịp thời danh mục hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất, lưu thông; sản phẩm đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người và quốc phòng, an ninh; lưu ý đến giống, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi.
"Trong đó, thức ăn chăn nuôi là những hàng hóa phục vụ cho duy trì sản xuất hiện tại và lâu dài (vừa qua một số tỉnh đã ban hành danh mục nhưng chưa đưa những loại hàng hóa này vào danh mục)" - công văn ghi.
Theo thông tin từ Bộ Công thương cung cấp cho báo chí vào tối 27-7, bộ này vừa có văn bản đề xuất Chính phủ ban hành danh mục "hàng hoá cấm lưu thông" thay vì danh mục "hàng hoá thiết yếu" được phép lưu thông trong đại dịch Covid-19 để tránh phát sinh những khó khăn, bất hợp lý như hiện nay.
Theo phản ánh của dư luận và tiếng nói từ các hiệp hội, hiện nay do thức ăn chăn nuôi không được coi là "hàng hoá thiết yếu" nên đang gặp rất nhiều khó khăn khi lưu thông giữa các địa phương, dẫn đến cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi thì không bán được, còn người chăn nuôi thì không mua được, hàng vạn heo, gà, vịt... có nguy cơ chết đói, nhiều nơi giá gà bán rẻ như rau, tại Đồng Nai gà lông trắng chỉ còn 10.000 đồng/kg. |