Ngày 9-10, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị công bố quyết định phê duyệt Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Quyết định số 895/QĐ-TTg ngày 24-8-2024 của Thủ tướng Chính phủ, quy hoạch lâm nghiệp quốc gia sẽ tập trung vào phát triển bền vững ngành lâm nghiệp, bao gồm các mục tiêu về bảo vệ, phát triển tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp. Đối tượng quy hoạch bao gồm đất lâm nghiệp (đất có rừng và đất chưa có rừng nhưng được quy hoạch để phát triển rừng) và các công trình hạ tầng lâm nghiệp như hệ thống vườn ươm, trạm bảo vệ rừng và đường vận chuyển lâm sản.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã nhấn mạnh tầm quan trọng của quy hoạch trong việc phát huy tiềm năng của rừng để đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, cho biết, Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một bước tiến quan trọng, góp phần triển khai thực hiện Luật Quy hoạch và Luật Lâm nghiệp.
Mục tiêu cụ thể của quy hoạch bao gồm duy trì tỷ lệ che phủ rừng từ 42% đến 43% trên toàn quốc, nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, và đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 5% đến 5,5% mỗi năm. Quy hoạch cũng đặt mục tiêu tăng thu nhập từ rừng trồng sản xuất lên 1,5 lần vào năm 2025 và gấp đôi vào năm 2030 so với năm 2020; giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản dự kiến đạt 20 tỷ USD vào năm 2025 và 25 tỷ USD vào năm 2030.
Theo ông Trần Quang Bảo, trong quy hoạch cũng xác định mục tiêu thu dịch vụ môi trường rừng sẽ tăng bình quân 5% mỗi năm, đạt khoảng 4.000 tỷ đồng/năm trong giai đoạn 2026-2030. Các giải pháp chính bao gồm chuyển giao công nghệ cao trong sản xuất lâm nghiệp, xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, hỗ trợ phát triển sinh kế cho cộng đồng vùng đệm của các khu rừng đặc dụng.
Tổng nguồn vốn thực hiện quy hoạch đến năm 2030 ước tính khoảng 217.305 tỷ đồng, bao gồm tiền từ ngân sách nhà nước và từ các nguồn vốn hợp pháp khác.