Bổ nhiệm lại Chủ tịch HĐTV Vinataba trong thời gian chờ kết quả xử lý kỷ luật: có nóng vội?

Dư luận boăn khoăn: Việc bổ nhiệm lại chức danh Chủ tịch HĐTV Vinataba trong thời gian chờ kết quả xử lý kỷ luật có “nóng vội”?

Khu đất 152 Trần Phú (quận 5, TPHCM)
Khu đất 152 Trần Phú (quận 5, TPHCM)

Như Báo SGGP đã thông tin, cách đây 2 tháng, UBND quận 5, TPHCM đã hoàn thiện hồ sơ, quy trình để cưỡng chế thu hồi khu đất 152 Trần Phú, quận 5 có diện tích gần 31.000m2 , theo chỉ đạo của UBND TPHCM. Đây là khu đất được Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) chuyển nhượng không qua đấu giá cho Công ty TNHH Vina Alliance, không xin phép Thủ tướng, dẫn đến thiệt hại tài sản cho Nhà nước.

Theo nguồn tin của PV Báo SGGP, trong quá trình chờ xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể (gồm Hội đồng Thành viên - HĐTV, Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc, Ban lãnh đạo Vinataba, Công ty TNHH MTV Thuốc lá Sài Gòn) tại Vinataba thì cơ quan chủ quản của Vinataba là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa bổ nhiệm lại chức danh Chủ tịch HĐTV đối với ông Hồ Lê Nghĩa.

Dư luận boăn khoăn: Việc bổ nhiệm lại chức danh Chủ tịch HĐTV Vinataba trong thời gian chờ kết quả xử lý kỷ luật có “nóng vội”?

Theo thông tin mới nhất, liên quan tới kết luận của cơ quan thanh tra, hiện nay Vinataba đã tổ chức 2 cuộc họp để xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan. Mới đây, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về việc báo cáo kết quả thực hiện kết luận thanh tra tại Vinataba và có báo cáo Thủ tướng trước ngày 10-6-2024. Vinataba vẫn đang chờ chỉ đạo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để tiếp tục thực hiện công tác xem xét trách nhiệm, kiểm điểm, xử lý kỷ luật theo quy định.

Trả lời PV Báo SGGP, luật sư Nguyễn Văn Cân (Đoàn Luật sư Hà Nội) chia sẻ, xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân vi phạm trong vụ việc này cần làm rõ vai trò của Chủ tịch HĐTV Vinataba trong thoái vốn tại dự án 152 Trần Phú. Đặc biệt, việc xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân tại Vinataba cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, trong đó Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ giữ vai trò then chốt.

Trao đổi về nội dung này, một lãnh đạo Vụ Công chức, viên chức (Bộ Nội vụ) cho rằng, việc bổ nhiệm lại có “nóng vội” hay không cần xem lại thời điểm bổ nhiệm để đối chiếu với các quy định. Không phải cứ cơ quan thanh tra chỉ ra sai phạm, thậm chí chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra là doanh nghiệp có thể kỷ luật cán bộ ngay được.

Tin cùng chuyên mục