Theo phản ánh từ các doanh nghiệp, thời gian gần đây, trong lĩnh vực BĐS đã xảy ra một số tranh chấp liên quan đến vi phạm nhãn hiệu, hình ảnh. Điển hình là vụ việc thương hiệu Tràng An của Công ty IP Invest đã bị một đơn vị khác lấy để quảng cáo bán căn hộ dự án ở 149 Trường Chinh (Hà Nội).
Vụ việc lùm xùm này không có cơ quan quản lý nào đứng ra xử lý khiến Công ty IP Invest phải tự lên tiếng yêu cầu đơn vị vi phạm gỡ bỏ việc sử dụng nhãn hiệu trái phép từ các trang online. Tương tự, trong lĩnh vực BĐS đang có khá nhiều doanh nghiệp trùng tên, như: Nam Tiến, Hưng Thịnh, Vincom… gây bối rối cho người tiêu dùng.
Chia sẻ kinh nghiệm của doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Công ty BĐS Hanhud, cho biết, sau khi cổ phần hóa, công ty ông không đăng ký lại được tên doanh nghiệp là “Công ty Kinh doanh phát triển nhà Hà Nội” vì đã có doanh nghiệp khác vừa đăng ký. Để được việc, doanh nghiệp này phải thêm 2 chữ “đô thị” vào tên cũ. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp mới chỉ đăng ký bằng tên và địa chỉ, những yếu tố khác như hình ảnh, logo… thì chưa được chú trọng. Đây là lý do khiến tình trạng gian lận càng dễ bề hoành hành.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc nhập nhèm tên gọi, gian lận nhãn hiệu này không chỉ xâm phạm quyền lợi của các doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng xấu đến quyền lợi của người tiêu dùng. Đã có người mua nhà phải dở khóc dở cười vì nhầm thương hiệu, nhất là khi căn hộ mua được là tài sản cả đời tích góp.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Phát triển tài sản trí tuệ (Cục Sở hữu trí tuệ), hiện chưa có một văn bản pháp lý nào của sở hữu trí tuệ nào nói về việc Nhà nước bảo vệ thương hiệu, mà chỉ có các đối tượng được quyền sở hữu trí tuệ từ sáng chế, giải pháp hữu ích, thương mại, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, bí quyết thương mại... Bên cạnh đó, việc thực thi các chế tài xử lý việc nhầm lẫn thương hiệu thường chậm chạp, khó đưa ra tòa để giải quyết, chủ yếu dẫn đến việc tự thỏa thuận.
Các doanh nghiệp cho rằng, ở các quốc gia trên thế giới, khi phát hiện tài sản trí tuệ bị vi phạm doanh nghiệp có thể gọi ngay tới đường dây nóng và có cơ quan tiếp nhận, phân loại các vi phạm. Tại Việt Nam, hiện có khá nhiều cơ quan về sở hữu trí tuệ, mỗi cơ quan xử lý một vấn đề nhưng nhiều khi thấy tài sản bị xâm phạm, doanh nghiệp không biết tìm đến ai. Các doanh nghiệp được khuyến cáo là phải tự bảo vệ mình, trong những trường hợp bị nhầm lẫn thương hiệu nên áp dụng biện pháp hành chính, dân sự để bảo vệ..., bởi Nhà nước không thể đủ nguồn lực để bảo vệ doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SLAW, cho rằng, khi phát hiện ra vi phạm về thương hiệu, các doanh nghiệp cần chụp lại bằng chứng, gửi giám định vi phạm đến văn phòng luật sư, sau khi văn phòng luật sư gửi thư cảnh báo, nếu doanh nghiệp vi phạm không cải chính công khai thì sẽ đưa ra tòa để xử lý. Tuy nhiên, theo ông Hà, tại những thành phố lớn, thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, hay các đơn vị chức năng khác có thể dễ dàng đánh giá có vi phạm hay không, thì tại nhiều địa phương, thanh tra tại các sở phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ và chức năng nên gặp khó khăn trong việc xác định vi phạm của doanh nghiệp. Đặc biệt, tại các tỉnh, số lượng thẩm phán có kinh nghiệm về xử lý sở hữu trí tuệ còn hạn chế. Việt Nam cũng chưa có tòa án chuyên trách xử lý vấn đề này. Các doanh nghiệp BĐS đang rất mong mỏi các tổ chức như: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội BĐS, thiết lập đường dây nóng, cung cấp thêm dịch vụ luật sư để hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần tăng nặng hình phạt, đưa vào xử lý hình sự, tước giấy phép, cấm hoạt động… đối với những doanh nghiệp vi phạm.