Sáng nay, 10-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 47. Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo về một số vấn đề lớn xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi).
Về ý kiến đề nghị chỉ nên quy định một hình thức cư trú, không phân biệt thường trú, tạm trú vì cho rằng để quản lý thực chất việc cư trú của người dân thì chỉ cần xác định nơi mà công dân đang thực tế sinh sống; điều này cũng thống nhất với quy định của Bộ luật Dân sự.
Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, trước mắt vẫn cần ghi nhận một số hình thức quản lý cư trú khác nhau là thường trú và tạm trú như trong dự thảo Luật. Thực tế hiện nay, việc phân biệt này đang được sử dụng làm cơ sở, tiêu chí phục vụ việc xây dựng quy hoạch, phân bổ ngân sách, xác định định mức đầu tư cho y tế, giáo dục, thực hiện chế độ, chính sách an sinh xã hội, thực hiện quyền ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân... cũng như thực hiện một số nhiệm vụ quản lý khác của Nhà nước.
Về điều kiện đăng ký thường trú, ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, nhiều ý kiến tán thành việc không quy định điều kiện riêng về đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương; có ý kiến tán thành nhưng đề nghị cần có lộ trình cụ thể cho việc thực hiện tại thủ đô Hà Nội và TPHCM để bảo đảm sự đáp ứng của cơ sở hạ tầng, các dịch vụ thiết yếu tại đô thị lớn. Có ý kiến đề nghị vẫn cần duy trì điều kiện riêng về đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương như Luật hiện hành.
Qua thảo luận, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật nhất trí với đề nghị của Chính phủ và kiến nghị của các cơ quan trực tiếp đăng ký, quản lý cư trú ở các thành phố trực thuộc trung ương đã được khảo sát về việc không cần thiết quy định điều kiện đăng ký thường trú áp dụng riêng đối với thành phố trực thuộc trung ương như trong Luật hiện hành.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tán thành quan điểm bỏ điều kiện đăng ký thường trú áp dụng riêng đối với thành phố trực thuộc trung ương.
Theo Bộ trưởng, việc đặt ra các điều kiện riêng này sẽ làm hạn chế quyền tự do cư trú của công dân; tác động đến quyền, lợi ích hợp pháp của một bộ phận công dân đang sinh sống, làm việc tại các thành phố lớn nhưng không đủ điều kiện đăng ký thường trú.
“Việc thực hiện quy định nói trên của Luật Cư trú thời gian qua cho thấy chính sách này cũng chưa thực sự hiệu quả, vì chỉ hạn chế được số lượng người đăng ký thường trú chứ không hạn chế được việc người dân chuyển đến lao động, học tập, sinh sống thực tế tại các đô thị lớn. Người ta vẫn mua được nhà, vẫn sinh sống, trẻ em vẫn đi học bình thường”, người đứng đầu Bộ Công an nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, để giải quyết vấn đề đặt ra đối với các đô thị lớn, nhất là thủ đô Hà Nội và TPHCM, cần kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp chứ không nên áp dụng các điều kiện riêng.
Tuy nhiên, liên quan đến ý kiến đề nghị quy định về lộ trình chuyển tiếp phù hợp để bảo đảm việc chuyển sang phương thức quản lý cư trú mới thực sự khả thi, trong quá trình đó, cần tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, Bộ trưởng Tô Lâm giữ quan điểm khác với cơ quan thẩm tra của Quốc hội.
Thường trực Ủy ban Pháp luật cho biết, qua kết quả rà soát sơ bộ, có gần 30 thủ tục hành chính ở cấp bộ đang có yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và các giấy tờ chứng minh nơi cư trú. Trong khi đó, một số điều kiện kỹ thuật bảo đảm việc kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia chuyên ngành với cơ quan, bộ, ngành, địa phương vẫn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và phải cần một số năm nữa mới có thể hoàn thành.
Nếu bỏ ngay sổ hộ khẩu, sổ tạm trú trong khi các cơ quan chưa sẵn sàng cho việc kết nối, chia sẻ, truy cập trực tuyến cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác định thông tin về nơi cư trú của công dân thì sẽ gây xáo trộn lớn đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, gây khó khăn, phiền phức cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính và các giao dịch dân sự khác có đòi hỏi chứng minh thông tin về nơi cư trú.
“Đề nghị dự thảo Luật quy định một thời kỳ chuyển tiếp 5 năm, cho phép cơ quan nhà nước và người dân được sử dụng đồng thời cả thông tin, dữ liệu điện tử trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú và giấy tờ, tài liệu”, ông Hoàng Thanh Tùng đề xuất.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tô Lâm nhận định, thay vì tiếp tục 5 năm duy trì hộ khẩu, các cơ quan có trách nhiệm cần rất nỗ lực để sớm sử dụng, khai thác, quản lý dân cư bằng phương pháp mới.