Ngày 10-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký công điện số 1076/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023.
Công điện nêu rõ, trong những tháng còn lại của năm 2022, trước xu hướng biến động ngày càng phức tạp, khó lường hơn của thế giới, kinh tế nước ta dự báo phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đối với thị trường tài chính, tiền tệ và hoạt động xuất nhập khẩu.
Để duy trì động lực phục hồi, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế cả năm 2022 khoảng 8%, các cấp, các ngành cần tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là động lực thúc đẩy tăng trưởng, là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo điều hành, góp phần phát huy hiệu quả phối hợp giữa chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2022.
Đến nay, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của hầu hết dự án đã được cấp có thẩm quyền giao cho các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương; việc công bố chỉ số giá xây dựng tại các địa phương đã được ban hành cơ bản đầy đủ, khá kịp thời; những khó khăn về thời tiết, tình hình dịch bệnh... không còn là nguyên nhân chính gây cản trở đến công tác giải ngân vốn đầu tư công. Do đó, cần tập trung, phấn đấu cao nhất để hoàn thành các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước kế hoạch năm 2022 đạt 95-100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, kết quả giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước ước đến ngày 31-10 cao hơn cùng kỳ năm 2021 là 40.387 tỷ đồng (tăng 16%); tuy nhiên mới đạt 51,34% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 là 55,8%), do nguồn vốn đầu tư công năm 2022 điều chỉnh tập trung trọng tâm, trọng điểm và huy động được từ nhiều nguồn khác nhau nên tăng hơn so với năm 2021 khoảng 120.000 tỷ đồng.
Thủ tướng Chính phủ biểu dương các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân 10 tháng đầu năm 2022 đạt cao như Thanh tra Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải, tỉnh Bình Định, tỉnh Tiền Giang, tỉnh Đồng Tháp, tỉnh Tây Ninh, tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Ninh Bình, tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh Bình Thuận...
Đồng thời, phê bình các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân 10 tháng đầu năm 2022 đạt thấp như: Ủy ban Dân tộc, Viện Khoa học công nghệ Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Hội Nhà văn, Bộ Y tế, Hội Nông dân Việt Nam, Bộ GD-ĐT, Bộ Công thương, Bộ LĐTB-XH, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đại học Quốc gia TPHCM, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Bộ Tư pháp, tỉnh Hà Giang, tỉnh Phú Yên…
Để phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh thành và đề nghị các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đề cao tinh thần trách nhiệm, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, kịp thời, hiệu quả hơn việc giải ngân vốn đầu tư công.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công thương theo dõi sát sao diễn biến tình hình, kiểm soát và có biện pháp kịp thời, hiệu quả theo quy định để đảm bảo nguồn cung và ổn định giá cả của nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, đặc biệt là xăng, dầu, sắt thép, vật liệu xây dựng.
Các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tăng cường tần suất kiểm tra hiện trường để chấn chỉnh ngay các tồn tại, bất cập; người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, phân công lãnh đạo phụ trách từng dự án.
Tập trung giải quyết công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư kịp thời, đúng quy định cho người dân, bảo đảm đúng pháp luật và hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân, đảm bảo nhanh tiến độ thực hiện dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán, thu hồi tạm ứng vốn đầu tư theo đúng quy định và ngay khi có khối lượng; chủ động rà soát điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, có nhu cầu bổ sung vốn theo quy định.
Thủ tướng yêu cầu khẩn trương phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư dự án, đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện quy hoạch địa phương; chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để hoàn thành thủ tục đầu tư, tập trung làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, nâng cao tính sẵn sàng và tính khả thi để giải ngân vốn của dự án ngay sau khi được giao kế hoạch vốn năm 2023…