
Với 20 ngôn ngữ chính thức của 25 nước thành viên và khoảng 5.000 chuyên gia ngôn ngữ sẵn sàng chuyển ngữ một dự thảo chỉ thị ra tiếng Slovenia hay dịch đuổi tham luận của một nghị sĩ Litva, công việc phiên dịch ở Bruxelles là một tháp Babel(*) thực sự của Liên minh châu Âu.

Đó là bộ máy khổng lồ có một không hai trên thế giới, còn phức tạp hơn cả bộ máy phiên dịch của Liên hiệp quốc mặc dù tổ chức này có đến 191 quốc gia nhưng chỉ hạn chế ở 6 ngôn ngữ làm việc.
Châu Âu đã tự buộc chặt vào một nguyên tắc: mỗi nước thành viên phải được sử dụng ngôn ngữ riêng của nước mình. “Đó là một vấn đề dân chủ” - bà Olga Cosmidou, Giám đốc Cơ quan Phiên dịch của EU, giải thích. Bản thân Tổng thống Jacques Chirac còn xem đó là vấn đề thể diện: Ông đã rời phòng họp của Hội đồng châu Âu khi nghe Ernest Antoine Sellière, cựu Chủ tịch của Medel (một doanh nghiệp lớn của Pháp), phát biểu bằng tiếng Anh.
Điều lệ còn quy định như một điều bắt buộc việc dịch chéo, có nghĩa phải kết hợp ngôn ngữ khác nhau, nói một cách khác, phải dịch được tức khắc tiếng Hung sang tiếng Hy Lạp hay tiếng Litva sang tiếng Đan Mạch. Hai năm sau sự gia nhập của 10 nước Đông Âu vào EU, công việc khó khăn đó đã thực hiện được nhưng phải hao tốn không ít ngân sách. Mặc dù vậy, còn lâu việc phiên dịch mới đáp ứng được yêu cầu khi vẫn có không hiếm những trường hợp phát huy “nhiệt huyết dân tộc” quá mức mà Ai Len là một ví dụ điển hình.
Nước này đòi ngôn ngữ Gaelic của họ phải được sử dụng chính thức trong phần lớn người dân Ai Len sử dụng tiếng Anh, chỉ một số ít còn sử dụng ngôn ngữ tổ tiên. Mặc dù vậy, hội nghị các nguyên thủ quốc gia vẫn thỏa thuận: tiếng Gaelic, ngôn ngữ tổ tiên của người Ai Len, sẽ trở thành ngôn ngữ làm việc từ tháng 1 năm 2007.
Việc mở rộng EU còn tiếp tục. Năm tới, Rumani và Bungari sẽ gia nhập, tiếp theo đến lượt các nước Balkan… Cứ theo đà đó, EU phải quản lý đến 500 kết hợp ngôn ngữ khác nhau. Một mối đe dọa ngạt thở! Về phía các thông dịch viên, họ ngày càng phải viện đến 1 ngôn ngữ “tiếp sức” (trước tiên, phải dịch sang tiếng Anh chẳng hạn rồi từ tiếng Anh dịch sang ngôn ngữ khác).
Thậm chí nhiều trường hợp đặc biệt phải dùng đến 2 ngôn ngữ “tiếp sức”. Đối mặt với quá tải là ách tắc, nhiều người mơ ước tiếng Anh được dùng phổ biến. Thế nhưng không phải bao giờ điều đó cũng đáng mơ ước. Trong thực tế, các thông dịch viên chưa hẳn đã yên tâm khi nghe một vị đại biểu mở đầu bằng câu “I will speak in English” bởi nếu sau đó họ phải dịch một thứ tiếng Anh bập bõm của học sinh nhập môn thì đó cũng là một ác mộng!
(Theo Le Point)
________
(*) Tháp lớn – theo Kinh thánh – được những người con của Noe dựng lên để lên trời nhưng thất bại do hỗn độn về ngôn ngữ.
LÊ HÀ