
Tổ chức Nhà báo không biên giới (tiếng Anh: Reporters Without Borders, tiếng Pháp là Reporters sans Frontières, viết tắt RSF) vừa bị tố cáo nhận tiền của chính phủ Mỹ trong các hoạt động của mình. Đây là vụ xì căng đan lớn của một tổ chức tự cho mình là tổ chức phi chính phủ, hoạt động nhằm “bảo vệ quyền lợi của các nhà báo trên toàn thế giới”(?!).
Các bài báo tố cáo RSF xuất hiện trên nhiều tờ báo lớn của Mỹ trung tuần tháng 5, tác giả là nữ nhà báo tự do Diana Barahona. Bà hiện làm việc cho Hội đồng các vấn đề về Tây bán cầu (Council on Hemispheric Affairs), tổ chức chuyên nghiên cứu về chính sách của Mỹ đối với Mỹ la tinh từ năm 1975.
- Cùng nhau lật đổ Tổng thống Haiti J.B. Aristide
Trên tờ The Newspaper Guild, nhà báo Diana Barahona viết: Trong suốt một năm qua, những bài tường thuật của Mỹ về tự do báo chí thường lấy thông tin từ RSF. Quả thực, mặc dù là tổ chức có quy mô nhỏ và lai lịch tầm thường, RSF đã được Mỹ nhìn nhận ngang ngửa với Ủy ban bảo vệ nhà báo (CPJ) có trụ sở ở New York.
Thế nhưng, không giống như CPJ, RSF được tài trợ bởi chính phủ Mỹ và cả Pháp, chính vì thế đã xuất hiện nhiều câu hỏi về “tính khách quan” của tổ chức này.

Robert Menard.
Đáng chú ý nhất có lẽ là vụ Mỹ - Pháp phối hợp lật đổ Tổng thống Haiti Jean-Bertrand Aristide vào ngày 29-2-2004. Lúc đó, RSF đã nhận 11% từ tổng số ngân sách mà chính phủ Pháp chi cho vụ này, tương đương 465.200 USD. RSF lên án ông Aristide vì đã không giải quyết vấn đề hai nhà báo bị giết, gọi ông là “dã thú của tự do báo chí”.
Khi Tổng thống Aristide bị lật đổ, RSF mừng ra mặt với bài báo vào tháng 7-2004 tiêu đề: “Tự do báo chí đã trở lại: Một sự tiến bộ cần được nuôi dưỡng”, “Một luồng gió tự do báo chí mới thổi qua các đài phát thanh của thủ đô Haiti”.
Thế nhưng, RSF đã làm ngơ những diễn biến đẫm máu sau vụ lật đổ Aristide, thậm chí cả những vụ tấn công nhắm vào các nhà báo. Ví dụ như vụ cảnh sát giết Abdias Jean, một phóng viên đài phát thanh tại thủ đô Port-au-Prince tháng 1-2005, vụ bắn vào nhà báo Raoul Saint - Louis tháng 2-2005 mà cho tới nay nhà báo bị thương tích này vẫn đang sống ẩn dật.
RSF cùng một số cơ quan báo chí khác hùa vào câu chuyện thêu dệt từ Bộ Ngoại giao Mỹ và lực lượng đối lập với Aristide cho rằng khi Aristide bị thất thế, ông dựa vào những tên cướp để giữ quyền lực. Câu chuyện mà RSF và một số báo chí cố tình lờ đi chính là ông Aristide là tổng thống rất được lòng dân Haiti, họ muốn ông hoàn thành hết nhiệm kỳ.
- Mục tiêu tấn công số 1: Cuba
Ngay từ buổi đầu thành lập, RSF đã tự chọn cho mình mục tiêu tấn công ưu tiên số 1 là Cuba. RSF trắng trợn gọi Cuba là “Nhà tù lớn nhất thế giới giam giữ nhà báo”. Thậm chí, RSF còn “xếp hạng” Cuba về tự do báo chí kém cả các nước mà nhà báo thường xuyên bị giết như Colombia, Peru và Mexico. RSF còn phát động chiến dịch làm nản lòng những người châu Âu đi du lịch tại Cuba và cả EU khi muốn đến Cuba làm ăn nhằm mục đích phá hoại nền kinh tế Cuba.
Không phải tình cờ mà RSF tung ra các chiến dịch trên, họ hưởng lương Bộ Ngoại giao Mỹ và quan hệ gần gũi với các nhóm người Cuba lưu vong phản động tại Mỹ được đạo luật Helms-Burton bảo trợ.
Vào ngày 27-4-2005, Thierry Meyssan, chủ tịch tờ nhật báo Paris và nhà báo Red Voltaire đăng bài báo cho rằng ông chủ RSF, Robert Menard, từng thương thảo một hợp đồng với Otto Reich và Trung tâm Vì Cuba tự do (CFC) vào năm 2001. Reich là ủy viên Hội đồng quản trị của CFC, CFC lại được Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ tài trợ. Hợp đồng này sau đó ký kết vào năm 2002 vào thời điểm Reich được bổ nhiệm chức vụ đặc sứ của Bộ Ngoại giao Mỹ tại khu vực Tây bán cầu.
Khoản tiền đầu tiên RSF nhận của CFC khoảng 25.000 USD vào năm 2002, và 50.000 USD vào năm 2003. Lucie Morillon, đại diện của RSF tại Washington, xác nhận trong một cuộc phỏng vấn ngày 29-4-2005 rằng họ thực sự đã nhận tiền từ CFC và trong hợp đồng, Reich đòi hỏi RSF phải thông tin cho người châu Âu biết về việc “đàn áp nhà báo ở Cuba” và ủng hộ gia đình của “các nhà báo đang bị giam giữ”. Morillon cũng cho biết RSF đã nhận 50.000 USD từ CFC trong năm 2004.

Một website đăng tải bài báo về xì căng đan của RSF.
RSF cũng đã can thiệp vào tình hình Venezuela. Vào tháng 4-2002, bốn đài truyền hình tư nhân phát sóng vụ Tổng thống Hugo Chavez bị đảo chính và liên tục đưa những bài diễn văn của lực lượng đối lập chống Tổng thống Chavez. Sau đó những đài truyền hình này lờ đi diễn biến vụ Tổng thống Venezuela bị bắt cóc và rồi được nhân dân và quân đội ủng hộ khôi phục chức vụ.
Sau khi trở lại chức vụ, Tổng thống Venezuela không hề truy tố 4 ông chủ đài truyền hình trên, thậm chí không rút giấy phép của họ. Thế nhưng RSF vẫn tiếp tục đứng cùng phía với các đài truyền hình tư nhân này chống lại cái gọi là “Chavez độc đoán”.
Ngày 26-11-2004, RSF ra một báo cáo chỉ trích dự luật cải tổ ngành truyền thông do Quốc hội Venezuela đề xuất. Không biết tình cờ hay không, hành động này diễn ra 2 tuần sau khi RSF nộp đơn xin tài trợ từ Cơ quan hành động vì dân chủ quốc gia của Mỹ (NED). Mặc dù NED luôn tự cho mình là cơ quan tư nhân nhưng tiền hoạt động của họ được Quốc hội chuẩn y và do Bộ Ngoại giao Mỹ kiểm soát.
NED đã tài trợ cho RSF gần 40.000 USD vào tháng 1-2005. Trong cuộc trả lời phỏng vấn nhà báo Colombia Calvo Ospina, ông chủ của RSF thẳng thừng tuyên bố tổ chức của ông ủng hộ các phần tử chống đối tại Cuba từ tháng 9-1995 và cho biết Cuba là “mục tiêu ưu tiên của RSF tại châu Mỹ la tinh”. Theo tờ The Granma của Cuba, RSF cũng đã nhận 125.000 USD từ Tổ chức Đoàn kết Cuba trực thuộc CIA Mỹ và nhận tiền của cả Cơ quan viện trợ của Mỹ USAIDS.
Tại Iraq, những thông tin do RSF tung ra thời kỳ trước và sau khi Mỹ lật đổ Saddam Hussein rất tùy tiện, bừa bãi và trái ngược với tình hình thực tế. Chẳng hạn khi ông Hussein vừa bị lật đổ, RSF chạy tít: “ Một kỷ nguyên mới về tự do báo chí đã mở ra cho các nhà báo Iraq”. Sự thật là cho tới nay đã có 44 nhà báo bị giết sau hơn 2 năm Mỹ tấn công Iraq. RSF không hề đề cập vụ lực lượng Mỹ giết chết 5 nhà báo nước ngoài hoặc vụ Mỹ tấn công vào truyền hình Al-Jazeera và Abu Dhabi tại Iraq. Thế mà trong bảng xếp hạng về tự do báo chí của RSF, Iraq đứng thứ… 17, vượt xa hạng 77 của Venezuela.
- Chân dung ông chủ Menard
Robert Menard, lên cầm quyền từ năm 1995, sau khi Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật Helms-Burton. Không những xa rời tôn chỉ của RSF theo hướng xây dựng RSF thành một tổ chức phi chính phủ có uy tín tương tự Tổ chức Thầy thuốc không biên giới, ông chủ của RSF đã đưa RSF đi trượt khỏi mục tiêu này.
Menard trở thành bạn lớn của các tay có “máu mặt” ở cả châu Âu và châu Mỹ như Giám đốc CFC Manuel Cutillas, Giám đốc điều hành CFC Fran Calzon (cựu nhân viên đặc biệt của CIA). Calzon tự xưng là thủ lĩnh Mặt trận giải phóng dân tộc Cuba, tổ chức nhận trách nhiệm đánh bom và giết người hàng loạt kể từ năm 1972 tại Cuba.
Vào tháng 1-2004, Menard được bọn lưu vong Cuba đón tiếp như người hùng tại Miami, Florida (Mỹ), từng tiếp xúc với Hội đồng giải phóng Cuba, bộ sậu ban biên tập tờ báo chống Cuba The Miami Herald và cả thị trưởng Miami Manny Diaz. Menard còn tiếp xúc với cả Nancy Perez Crespo, Giám đốc website Nueva Prensa, chuyên đăng tải những bài báo chống Cuba.
Cao hứng, Menard còn hứa sẽ tổ chức một hội nghị vào ngày 18-3 với các nhà chính trị châu Âu tại Brussels (Bỉ) để “thúc đẩy dân chủ tại Cuba”. Menard nói: “Tôi muốn đề cập đến các biện pháp cơ bản để áp dụng tại Cuba, một đất nước “vi phạm nhân quyền”. Menard còn đòi hỏi cả Ngân hàng Trung ương châu Âu “phong tỏa tài khoản của Cuba như đã từng làm với những tài khoản của bọn khủng bố. Chân dung của ông chủ Menard đã lộ rõ là kẻ phục vụ cho thế lực nào.
HUY QUỐC
(Theo The Newspaper Guild, Granma, Counter Punch)