Với thương nhân và doanh nghiệp, cần thay đổi phương thức làm ăn từ tiểu ngạch sang chính ngạch, công bố tiêu chuẩn, chất lượng hàng nông sản mà đơn vị mình cần. Nông dân cần xóa bỏ tư tưởng làm ăn theo kiểu tự phát, thiếu liên kết, tuân thủ hợp đồng đã ký kết với doanh nghiệp. Về phía quản lý Nhà nước, cần quyết liệt tuyên truyền, hướng dẫn việc tổ chức lại sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao để nâng cao chất lượng sản phẩm. “3 vấn đề này nếu không gặp được nhau thì ai cũng khổ và người khổ nhất vẫn là nông dân”, bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An, chia sẻ.
Theo bà Khanh, hiện nay ngành nông nghiệp đang tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản, giải phóng mặt bằng, tạo vùng nguyên liệu, có cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất... Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn chú trọng xây dựng, phát triển chuỗi chế biến, nâng cao giá trị nông sản. Cùng với đó ngành nông nghiệp đang tập trung triển khai chuyển đổi số như: ứng dụng phần mềm trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm an toàn; quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói; quản lý các chỉ dẫn địa lý; áp dụng thiết bị bay không người lái; ứng dụng công nghệ số thực hiện quan trắc tự động, theo dõi giám sát tự động mực nước, độ mặn; ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin để tự động hóa một số khâu trong quy trình sản xuất, chăn nuôi.
Bên cạnh đó, việc củng cố, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) trong sản xuất nông nghiệp để tạo điều kiện cho ứng dụng tiến bộ kỹ thuật được triển khai quyết liệt. Sau 6 năm thực hiện, chương trình đã thành lập 50 HTX, 163 tổ hợp tác, trong đó tập trung củng cố 16 HTX điểm, 4 HTX điển hình theo Luật HTX năm 2012; hỗ trợ xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể; hỗ trợ cấp mã số, mã vạch truy xuất nguồn gốc, kết nối tiêu thụ...
Toàn tỉnh cũng đã xây dựng 22 chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn trên rau, thịt gà, gạo, thịt heo, thanh long. Có 1.489,7ha (76 cơ sở) được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP trên các sản phẩm lúa, rau, quả, chăn nuôi gia cầm, heo, bò thịt và thủy sản. Có trên 65 cơ sở áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến theo tiêu chuẩn HACCP, ISO 22000, BRC, HALAL trong chế biến nông sản; có 4 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gồm: Công ty TNHH Chăn nuôi Phú Gia Long An (thuộc hệ thống Công ty cổ phần Ba Huân), Công ty TNHH Huy Long An; Công ty TNHH MTV Trung Sơn Long An, Công ty TNHH Nghiên cứu và sản xuất giống UDCNC Hưng Thịnh. Nhiều sản phẩm chủ lực của tỉnh như chuối, chanh, thanh long, lúa gạo... xuất khẩu được sang các thị trường khó tính như Mỹ, Úc, Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật, Trung Quốc...