Phóng viên: Thưa ông, qua theo dõi, tổng hợp đợt lấy ý kiến này, ông có nhận xét gì?
Ông Đào Trung Chính |
* Ông ĐÀO TRUNG CHÍNH (ảnh): Đến hết ngày 15-3, Bộ TN-MT đã nhận được gần 8.000 lượt ý kiến, góp ý trực tiếp trên website www.luatdatdai.monre.gov.vn và 75 ý kiến góp ý bằng văn bản. Việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo luật đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo tầng lớp nhân dân, nhân sĩ, trí thức, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; các tổ chức, doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Công tác tuyên truyền, phổ biến của các cơ quan truyền thông được thực hiện thường xuyên, liên tục, rộng khắp. Nhiều báo đài, tạp chí đã mở chuyên mục để người dân góp ý dự thảo luật. Nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm mang tính chuyên môn sâu, theo chuyên đề đã được các bộ ngành địa phương và các cơ quan tổ chức công phu, thể hiện tính chủ động, sự quan tâm sâu sắc của toàn dân đến dự thảo luật.
Các ý kiến góp ý tập trung vào các nhóm nội dung cụ thể nào?
* Phần lớn các ý kiến quan tâm đến nội dung về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; cơ chế, chính sách tài chính đất đai, giá đất. Các vấn đề khác về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, phát triển quỹ đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hộ gia đình sử dụng đất cũng nhận được các ý kiến đóng góp rất đáng lưu ý. Nhân dân cũng quan tâm đến phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực trong việc quản lý, sử dụng đất đai. Có những ý kiến, bình luận sâu liên quan đến việc xử lý các luật có mâu thuẫn, chồng chéo với dự thảo luật…
Một trong những vấn đề được Quốc hội cho ý kiến sôi nổi tại nghị trường kỳ họp thứ 4 là thu hồi đất để phát triển kinh tế vì lợi ích quốc gia, công cộng. Nội dung này được góp ý ra sao trong đợt lấy ý kiến vừa qua?
* Đây là một trong những vấn đề nhận được nhiều góp ý và các luồng ý kiến cũng khác nhau. Có ý kiến tán thành với dự thảo luật về các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế vì lợi ích quốc gia, công cộng, nhưng đề nghị mở rộng thêm đối với các dự án xã hội hóa (y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục - thể thao, môi trường), không phân biệt vốn đầu tư công hay tư. Có ý kiến đề nghị Nhà nước mở rộng các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế, kể cả các dự án sử dụng vốn đầu tư tư nhân. Cũng có đề nghị chỉ thu hồi đất đối với các dự án đầu tư công, các dự án không vì mục đích kinh doanh. Có đề nghị không thu hồi đất đối với trường hợp thực hiện dự án xây dựng nhà ở thương mại.
Chính sách tài chính đất đai, giá đất có lẽ cũng được nhiều người quan tâm?
* Đúng vậy, đối với nội dung tài chính đất đai và giá đất, ý kiến cũng rất đa dạng. Thể chế hóa Nghị quyết 18-NQ/TW (về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao), dự thảo luật đã có những quy định mang tính cách mạng như bỏ khung giá đất, quy định điều tiết nguồn thu từ đất, các trường hợp áp dụng bảng giá đất, giá đất cụ thể… Ý kiến của người dân tập trung vào từng điều khoản chi tiết đã được dự thảo. Nhiều ý kiến dành mối quan tâm đến sự thống nhất giữa các luật liên quan để đảm bảo cơ chế tài chính thông suốt.
Một điểm mới của dự thảo luật là bỏ khung giá đất, thay vào đó là ban hành bảng giá hàng năm để đảm bảo giá đất phù hợp với giá thị trường; thành lập hội đồng thẩm định giá đất. Ý kiến ban soạn thảo nhận được có đồng thuận với quy định này không?
* Việc bỏ khung giá đất nhận được sự đồng thuận rất cao của người dân với hy vọng giá đất sẽ dần tiến đến phù hợp với thị trường. Việc xây dựng bảng giá đất hàng năm cũng được nhiều ý kiến tán thành, tuy nhiên, một số ý kiến cũng đề nghị cân nhắc về chu kỳ ban hành bảng giá đất 5 năm để đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và tránh gây áp lực lên hệ thống cơ quan nhà nước. Có ý kiến cũng đề nghị ban hành bảng giá theo chu kỳ ngắn hạn hơn (2-3 năm/lần) và điều chỉnh khi có mức độ biến động nhất định. Đồng thời, mong muốn Hội đồng Thẩm định giá đất bảo đảm tính chuyên môn sâu, tính độc lập, khách quan, minh bạch.
Có thể thấy các ý kiến nhận được rất phong phú, thậm chí có trường hợp mâu thuẫn. Làm thế nào để tiếp thu được thỏa đáng, thưa ông?
* Quả thực nhiều nội dung của dự thảo luật nhận được nhiều góp ý với góc nhìn đa chiều, tạo nên thách thức rất lớn đối với cơ quan soạn thảo. Các bộ ngành, địa phương đang trong quá trình tổng hợp kết quả để gửi về Bộ TN-MT trước ngày 20-3.
Để đảm bảo tiến độ được giao, cơ quan soạn thảo đã thực hiện đồng thời việc tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý, “có đến đâu làm đến đó”. Các ý kiến đều được phân tích kỹ lưỡng, trao đổi với các bộ ngành và cơ quan liên quan để thống nhất trong dự thảo luật. Việc tiếp thu, giải trình được thực hiện chi tiết từng ý kiến của cá nhân, tổ chức, sau đó được tập hợp, tổng hợp báo cáo kết quả đến Chính phủ, Quốc hội và đăng tải công khai theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Những nội dung có nhiều ý kiến khác nhau, chưa đạt được sự thống nhất sẽ được cơ quan soạn thảo tập hợp, báo cáo chi tiết với Chính phủ và Quốc hội xem xét, cho ý kiến cụ thể.