Tổ dân phố là tổ chức cộng đồng dân cư rất quan trọng ở dưới phường, xã, thị trấn. Đây là nơi trực tiếp thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của chính quyền các cấp. Việc tổ chức, sắp xếp lại khu phố, tổ dân phố theo mô hình phù hợp sẽ góp phần quan trọng phát huy hơn nữa vai trò tự quản của người dân, hướng đến phát triển đô thị bền vững trên địa bàn TPHCM.
Mô hình chưa phù hợp
Nghị quyết 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả (Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 6, khóa XII) nêu ra một số chủ trương, định hướng trong việc tổ chức, sắp xếp lại các tổ chức cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố.
Nghị quyết yêu cầu đến năm 2021 phải sắp xếp thu gọn hợp lý các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn về quy mô dân số, diện tích tự nhiên và giảm số thôn, tổ dân phố. Từ năm 2021 đến năm 2030 phải cơ bản hoàn thành việc sắp xếp thu gọn các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thôn, tổ dân phố theo tiêu chuẩn quy định.
Cuối năm 2018, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư 14/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 04/2012 và có hiệu lực từ ngày 20-1-2019. Thông tư 14/2018 không quy định “các tổ chức tự quản khác của thôn” như quy định cũ.
Trong khi đó, Quyết định 24/2017 của UBND TPHCM quy định khu phố được tổ chức dưới phường, thị trấn; dưới khu phố bao gồm nhiều tổ dân phố liền kề. Khu phố có vai trò, chức năng, nhiệm vụ và tổ chức hoạt động giống tổ dân phố theo Thông tư 14/2018.
trao đổi công việc với các thành viên trong ban điều hành. Ảnh: QUANG HUY
Như vậy, cách thức tổ chức khu phố, tổ dân phố dưới phường, thị trấn như hiện nay ở TPHCM là chưa phù hợp và chưa thống nhất với quy định của bộ ngành Trung ương. Mô hình này cũng bộc lộ hạn chế là có nhiều đầu mối, tổ chức, tầng nấc trung gian khiến nhân sự phình ra, kéo theo gia tăng chi ngân sách thường xuyên.
Do đó, song song với việc tổ chức, sắp xếp lại tổ chức, bộ máy trong hệ thống chính trị, đòi hỏi TPHCM cũng phải khẩn trương tổ chức, sắp xếp lại tổ chức, hoạt động của khu phố, tổ dân phố cho phù hợp.
Về việc tổ chức, sắp xếp lại, Nghị quyết 18-NQ/TW yêu cầu giảm và không thành lập mới các tổ chức trung gian; giải thể hoặc sắp xếp lại các tổ chức hoạt động không hiệu quả. Việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy không được tăng thêm đầu mối và biên chế.
Vì vậy, TPHCM nên nhanh chóng thực hiện mô hình thống nhất trong cả nước là dưới phường, thị trấn chỉ có tổ dân phố. Nói một cách khác, TPHCM cần bỏ hẳn khu phố và thay vào đó là tổ dân phố.
Khi đó, tổ dân phố sẽ thực hiện các hoạt động, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của khu phố. Tương tự, tổ trưởng tổ dân phố sẽ có nhiệm vụ, quyền hạn của trưởng khu phố như quy định hiện nay (theo Quyết định 24/2017).
Năng lực quản lý điều hành - yếu tố quan trọng
Nỗi băn khoăn nhất hiện nay khi thực hiện mô hình vừa nêu thì quy mô số hộ dân của tổ dân phố lớn (trên 700 hộ gia đình) là một áp lực lớn cho tổ trưởng tổ dân phố.
Tuy nhiên, đối với hoạt động của tổ dân phố, vấn đề không phải là quy mô số hộ dân, mà chính là năng lực quản lý điều hành, cơ chế phối hợp và chính sách, chế độ đãi ngộ đối với tổ trưởng tổ dân phố. Những vấn đề này nếu được quan tâm đúng mức thì việc thực hiện mô hình này sẽ thuận lợi.
Chúng tôi xin mạnh dạn đề xuất một số giải pháp cụ thể sau đây. Trước hết cần lựa chọn người (cho người dân bầu) làm tổ trưởng tổ dân phố phải đúng tiêu chuẩn, nhất là về năng lực quản lý điều hành. Khi thực hiện mô hình dưới phường, xã, thị trấn là tổ dân phố (không có khu phố) thì nguồn nhân sự cho tổ trưởng tổ dân phố đã có sẵn nên cũng thuận lợi.
Chọn được người thì cần quan tâm bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực hoạt động cho tổ trưởng tổ dân phố. Đặc biệt là bồi dưỡng một số kỹ năng cơ bản như kỹ năng tuyên truyền vận động quần chúng, kỹ năng tổ chức và điều hành một cuộc họp, kỹ năng hòa giải ở cơ sở, kỹ năng xây dựng và tổ chức thực hiện quy ước ở cơ sở…
Kế đến là việc xây dựng quy chế phối hợp hoạt động chặt chẽ giữa chi bộ, ban công tác mặt trận và tổ dân phố để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống trong quản lý mọi hoạt động trên địa bàn.
Đặc biệt là quy định cụ thể trách nhiệm của các chức danh đứng đầu như bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận và tổ trưởng tổ dân phố. Trong tổ dân phố, các thành viên tổ trưởng tổ dân phố và tổ phó tổ dân phố cũng phải phân công trách nhiệm rõ ràng, cụ thể.
Hiện nay vẫn còn không ít cán bộ, đảng viên ở cơ sở vẫn chưa nhận thức được đầy đủ về vai trò quan trọng của tổ dân phố nên ít quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ hay phối hợp hoạt động.
Thậm chí còn có tư tưởng cho rằng tổ trưởng tổ dân phố là “cấp dưới”, “người giúp việc” nên thường giao luôn cả những công việc không đúng với chức năng, nhiệm vụ của họ.
Vì thế cần quán triệt sâu sắc trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và công chức ở cấp xã về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ dân phố. Việc này nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của từng cá nhân trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý hay phối hợp, hỗ trợ hoạt động đối với tổ dân phố để thực hiện nhiệm vụ chính trị trong hệ thống chính trị ở cơ sở.
Cùng đó, UBND phường, xã, thị trấn cần tăng cường chỉ đạo, quản lý và kiểm tra mọi hoạt động của tổ dân phố; cần duy trì thường xuyên các cuộc họp giao ban định kỳ với tổ trưởng tổ dân phố để triển khai các công việc cần thiết và nghe phản ánh tình hình cơ sở.
Công việc và trách nhiệm của tổ trưởng tổ dân phố theo mô hình không có khu phố là khá nặng nề, nên cần có chế độ chính sách tương xứng để động viên tinh thần làm việc và ý thức trách nhiệm của đội ngũ này. Vì vậy, chính quyền thành phố cần sửa đổi, bổ sung những chính sách, chế độ đối với tổ trưởng tổ dân phố. Đây là giải pháp vô cùng quan trọng, có ý nghĩa thiết thực khi thực hiện mô hình này.
TPHCM có gần 2.090 ấp, khu phố và hơn 25.800 tổ dân phố, tổ nhân dân. Hiện nay, TPHCM đang tổng kết đánh giá mô hình tổ chức và hoạt động của khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân. |