Năm 2011, công trình này được đầu tư xây dựng tại phường Ngô Mây, TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum), với kinh phí từ nguồn vốn không hoàn lại của Ủy ban kinh tế - xã hội Liên hiệp quốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (UN-ESCAP), Tổ chức hành động vì môi trường và phát triển tại Việt Nam (ENDA) và nguồn vốn đối ứng của địa phương.
Công trình được đánh giá cao về tính hữu ích, bởi theo hồ sơ thiết kế, đây là xưởng sản xuất phân hữu cơ với công suất ủ 5 tấn rác thải hữu cơ/ngày, cho ra khoảng 300kg - 500kg sản phẩm phân compost mỗi ngày.
Ngoài việc cung cấp phân hữu cơ cho địa phương, dự án này còn góp phần tích cực trong việc bảo vệ môi trường, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân nơi đây.
Cuối năm 2012, công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng, nhưng chỉ sau hơn 2 năm vận hành thì phân xưởng… ngừng hoạt động.
Trả lời về việc công trình phải “đắp chiếu”, ông Nguyễn Đình Chương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Kon Tum, cho biết: “Ban đầu, khi phân xưởng đi vào hoạt động, đơn vị tài trợ có phân bổ kinh phí cho việc phân loại rác thải tại nguồn. Đến khi không còn được tài trợ kinh phí phân loại rác thải, nhà máy phải dừng hoạt động. Sản phẩm sau khi xử lý rác là phân compost không được cơ quan có thẩm quyền công nhận về chất lượng phân bón, nên không có giấy phép để đưa ra thị trường tiêu thụ. Hơn nữa, chi phí phân loại rác thải quá cao nên không đủ kinh phí để vận hành hệ thống xử lý này”.
Bị bỏ hoang hơn 3 năm qua, phân xưởng luôn đóng cửa im lìm, xung quanh phân xưởng cỏ mọc um tùm, các hạng mục công trình đã bắt đầu hư hỏng, xuống cấp (ảnh), một lượng rác thải lớn bên ngoài vẫn chưa được xử lý, nằm lộ thiên, làm ô nhiễm môi trường khu dân cư, gây bức xúc cho người dân.