Tuy nhiên, chính sự chồng chéo trong quy trình tuyển dụng đã dẫn đến tình trạng vẫn còn hồ sơ ảo, tỷ lệ ứng viên trúng tuyển bỏ nhiệm sở cao…
Thiếu hàng trăm giáo viên
Kết quả tuyển dụng giáo viên đợt 1 năm học 2017-2018 của Phòng GD-ĐT quận 3 cho biết, địa phương đã bổ sung thêm 39 giáo viên mầm non, 25 giáo viên tiểu học và 25 giáo viên THCS.
Tuy nhiên, thời điểm hiện tại vẫn còn một số đơn vị có nhu cầu tuyển dụng giáo viên nhưng không có hồ sơ ứng tuyển, như Trường Mầm non Hoa Mai (thiếu 3 giáo viên), Trường Mầm non 9 (thiếu 1 giáo viên), Trường Tiểu học Nguyễn Việt Hồng (thiếu 3 giáo viên và một tổng phụ trách Đội), Trường THCS Bạch Đằng (thiếu 7 giáo viên)…
Tương tự, tại quận 4, trong tuần này địa phương sẽ tổ chức tuyển dụng bổ sung giáo viên đợt 2 với tổng nhu cầu dự kiến gồm 26 giáo viên mầm non, 10 giáo viên tiểu học và 9 giáo viên THCS; kết quả sẽ công bố vào ngày 18-10.
Thầy và trò Trường Tiểu học Thực hành sư phạm Phan Đình Phùng (quận 3) trong 1 giờ lên lớp
Tại quận 5, trong tổng số 123 giáo viên cần bổ sung cho năm học mới, địa phương mới tuyển được 93 người. Trong đó, bậc mầm non còn thiếu 18 giáo viên, tiểu học thiếu 7 và THCS thiếu 5 người.
Riêng ở quận 8, ông Dương Văn Dân, Trưởng phòng GD-ĐT quận, cho biết trong tổng số 251 giáo viên cần tuyển thêm cho năm học mới, địa phương mới tuyển được 134 người. Hiện tại, các trường đang thực hiện phương án ký hợp đồng thỉnh giảng với giáo viên đã về hưu trong thời gian chờ bổ sung thêm nhân sự.
Năm học 2017-2018, do có thêm nhiều cơ sở mới đưa vào sử dụng nên quận 12 cần bổ sung thêm 183 giáo viên. Kết thúc đợt xét tuyển đầu tiên vào cuối tháng 8-2017, chỉ có 30 hồ sơ trúng tuyển giáo viên mầm non, 45 hồ sơ trúng tuyển giáo viên tiểu học và 59 hồ sơ trúng tuyển bậc THCS. Như vậy, nếu tất cả số ứng viên trúng tuyển này đều nhận nhiệm sở thì địa phương vẫn thiếu 49 giáo viên cho cả 3 bậc học.
Tương tự, tại quận Bình Thạnh, trên cơ sở kết quả tuyển dụng viên chức vào cuối tháng 8-2017 và thực trạng, nhu cầu bổ sung đội ngũ của các trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn, UBND quận Bình Thạnh vừa ra thông báo phê duyệt kế hoạch tuyển dụng bổ sung giáo viên đợt 2 với tổng nhu cầu tuyển dụng thêm là 66 giáo viên, trong đó chiếm nhiều nhất là bậc THCS (29 giáo viên), kế đến là bậc tiểu học (25 giáo viên) và mầm non (12 giáo viên).
Ở Thủ Đức, năm học này tuyển dụng không rơi vào cảnh đìu hiu như mọi năm, nhưng thời điểm hiện tại vẫn thiếu khoảng 40 giáo viên. Dự kiến sẽ tuyển bổ sung thêm đợt 2 trong năm học này.
Loay hoay gỡ “nút thắt”
Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD-ĐT quận Bình Tân, cho biết, địa phương đã có thông báo về kế hoạch tuyển dụng giáo viên đợt 1 cho năm học 2017-2018 với tổng số 160 giáo viên. Trong đó, bậc mầm non cần tuyển thêm 36 giáo viên, tiểu học tuyển thêm 55 và THCS tuyển thêm 69 người.
“Ngay trong thông báo tuyển dụng, chúng tôi ghi rõ lưu ý là không yêu cầu thí sinh có hộ khẩu thường trú tại TPHCM. Thời gian nộp hồ sơ cũng được kéo dài từ ngày 14-9 đến hết ngày 7-11-2017 để tạo thêm điều kiện cho ứng viên nộp hồ sơ”, ông Tuyên cho biết.
Còn tại quận Bình Thạnh, thông báo tuyển dụng ghi rõ “không yêu cầu hộ khẩu thường trú tại TPHCM đối với các ứng viên nộp hồ sơ dự tuyển vào bậc mầm non”.
Đây được xem là một trong những nỗ lực của các địa phương trong việc mở rộng đối tượng xét tuyển, thu hút thêm nguồn nhân lực ngoại tỉnh để bổ sung nhu cầu giảng dạy của địa phương. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù đã có chủ trương chung của UBND TPHCM trong việc bỏ điều kiện tuyển dụng giáo viên phải có hộ khẩu TP, nhưng nhiều nơi vẫn chưa mạnh dạn thực hiện vì lo ngại tính lâu dài, ổn định của đội ngũ nhân sự.
Thêm vào đó, theo chia sẻ của đại diện Phòng GD-ĐT quận 9, địa phương đang có kế hoạch tuyển dụng bổ sung giáo viên đợt 2 vì ở đợt xét tuyển trước đó, nhiều ứng viên trúng tuyển không nhận nhiệm sở. Có thực tế này là do trước đây, dưới sự cầm trịch của Sở GD-ĐT, công tác tuyển dụng được thực hiện đồng loạt ở 24 quận, huyện, ứng viên nộp hồ sơ dự tuyển ở quận này không thể tham gia xét tuyển ở quận kia.
Tuy nhiên hiện nay, kế hoạch tuyển dụng giáo viên phải do UBND quận, huyện phê duyệt, nên xảy ra tình trạng nơi triển khai nhanh, nơi ì ạch. Thời gian tuyển dụng khác biệt đã vô tình tạo điều kiện cho ứng viên nộp hồ sơ dự tuyển ở nhiều nơi để có thêm cơ hội trúng tuyển và lựa chọn nơi công tác.
Thực tế này khiến nhiều địa phương, nhất là các quận, huyện ngoại thành kêu trời vì tình trạng hồ sơ ảo, ứng viên cùng lúc có tên trong danh sách trúng tuyển ở nhiều nơi nhưng chỉ chọn một nơi tốt nhất để công tác. Có trường hợp giáo viên đã dạy ổn định ở trường này vẫn nộp hồ sơ dự tuyển ở nơi khác để tìm môi trường làm việc tốt hơn, gây xáo trộn nhân sự ở các quận, huyện.
Trước thực tế đó, các phòng GD-ĐT kiến nghị UBND TPHCM nghiên cứu lại quy trình tuyển dụng giáo viên, không nên để các địa phương “tự bơi”, tránh tình trạng giẫm chân như hiện tại.