Nội dung được dư luận quan tâm nhất là việc bỏ hộ khẩu giấy chuyển sang thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân, cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; bỏ toàn bộ hoặc một phần thủ tục hành chính liên quan sổ hộ khẩu, sổ tạm trú như: tách khẩu; cấp đổi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú; cấp lại sổ hộ khẩu hay tạm trú... Người dân rất hoan nghênh và góp ý thực hiện chủ trương này.
Một việc nên làm từ lâu
Thời bao cấp, có 2 thứ như là vật bất ly thân đối với bất kỳ gia đình, cá nhân nào là cuốn sổ gạo và sổ hộ khẩu. Đất nước đổi mới, sổ gạo đã bỏ nhưng sổ hộ khẩu vẫn còn đến ngày hôm nay. Việc duy trì sổ hộ khẩu để quản lý nhân khẩu, bảo đảm an ninh trật tự chưa chắc thuận tiện cho nhà quản lý, lại gây nhiều khó khăn, phiền hà cho người dân.
Người dân trong vòng luẩn quẩn, muốn mua nhà phải có sổ hộ khẩu, muốn đăng ký hộ khẩu phải có nhà. Người dân muốn làm bất cứ thủ tục nào đều phải chìa cuốn sổ hộ khẩu ra.
Theo dự thảo Luật Cư trú sửa đổi, thay vì cấp sổ hộ khẩu hay sổ tạm trú, việc quản lý cư trú sẽ thông qua mã số định danh cá nhân và cập nhật kết quả đăng ký trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc thay đổi quản lý từ sổ hộ khẩu sang mã số định danh cá nhân sẽ giảm được gánh nặng về giấy tờ.
Người dân làm các thủ tục hành chính bớt được việc in sao văn bản, giảm thời gian, công sức. Thay đổi này phù hợp với xu thế chung của đất nước, đặc biệt với TPHCM đang thực hiện cải cách sâu rộng nền hành chính, xây dựng thành phố thông minh, phòng họp không giấy, giao dịch làm thủ tục hành chính qua mạng.
Để giúp người dân thoát khỏi “vòng kim cô” của cuốn sổ hộ khẩu, trong nhiều năm qua, TPHCM đã đi trước, chủ động trong việc thu hút người lao động kiến thức, tay nghề cao đến TPHCM. Chính quyền đã bỏ quy định về hộ khẩu trong thi tuyển giáo viên, công chức.
Chính sự năng động, cởi mở đó, TPHCM đã thu hút được một số lượng lớn lao động có hàm lượng chất xám, tay nghề cao trong hầu hết các lĩnh vực, góp phần xây dựng thành phố phát triển. Chúng ta đã từ bỏ được cuốn sổ gạo quyền uy một thời, đến nay cũng nên từ bỏ cuốn sổ hộ khẩu để thay bằng cách quản lý mới phù hợp hơn.
NGUYỄN HIỀN, quận Bình Thạnh, TPHCM
Hoàn thiện pháp luật về cư trú
Trên thế giới hiện chỉ còn vài quốc gia quản lý dân cư bằng hộ khẩu giấy, trong đó có nước ta. Từ ngày 30-10-2017, Chính phủ đã có Nghị quyết 112/NQ-CP về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an.
Trong đó, có nội dung bỏ cách thức quản lý dân cư bằng hộ khẩu giấy mà bằng số định danh cá nhân. Việc này sẽ giúp người dân tiết kiệm được rất nhiều chi phí, tránh thủ tục hành chính rườm rà khi phải đến trụ sở công quyền để làm việc, đồng thời hạn chế tiêu cực, nhũng nhiễu khi làm thủ tục về hộ khẩu. Đặc biệt, người dân có quyền tự do đi lại, tự do cư trú mà không phụ thuộc vào hộ khẩu như trước đây.
Ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý dân cư là yêu cầu cấp thiết, xu thế tất yếu. Việc này tạo thuận lợi cho cả người dân và cơ quan quản lý nhà nước. Ngoài ra, với việc xây dựng cơ sở dữ liệu về cư trú sẽ tạo thuận lợi cho việc truy nhập đến cơ sở dữ liệu để thay đổi thông tin về cư trú của công dân; việc cung cấp, trao đổi thông tin, tài liệu cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân cũng sẽ nhanh chóng, chính xác hơn.
Để thực hiện, cần phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật về cư trú theo hướng áp dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Khi cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử được Bộ Tư pháp triển khai đồng loạt, hiệu quả thì việc kết nối, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú sẽ dễ dàng, thuận lợi hơn.
Luật gia PHẠM VĂN CHUNG, Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum