Tại công điện, Bộ GTVT yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tập trung rà soát, kịp thời phát hiện để có phương án đảm bảo an toàn giao thông, tránh xảy ra các sự cố bất ngờ đối với các công trình hạ tầng giao thông nằm trong khu vực bị ảnh hưởng của mưa lũ.
Trong đó, các đơn vị cần đặc biệt chú ý đến các cầu đường bộ, đường sắt, nhất là những cây cầu yếu, xây dựng lâu năm, các khu vực xung yếu dễ bị sụt trượt, lở đất, đứt đường.
Về sự cố cầu Phong Châu, Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Sở GTVT Phú Thọ và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương điều động nhân lực, phương tiện, thiết bị, vật tư tham gia khắc phục sự cố; tổ chức tìm kiếm cứu nạn; tổ chức phân luồng đảm bảo giao thông và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Cục Đường thủy nội địa Việt Nam khẩn trương thông báo, công bố hạn chế giao thông đường thủy nội địa theo quy định, tổ chức điều tiết đảm bảo giao thông thủy tại khu vực.
Chiều 9-9, Cục Đường bộ Việt Nam đã có báo cáo gửi Bộ GTVT về sự cố cầu Phong Châu trên Quốc lộ 32C thuộc địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Theo Cục Đường bộ Việt Nam, cầu Phong Châu được đưa vào khai thác sử dụng năm 1995. Cầu bắc qua sông Hồng và có thông thuyền, bị ảnh hưởng của lũ lụt hàng năm từ tháng 6 đến tháng 10. Hàng năm, cầu và tuyến Quốc lộ 32C được giao vốn bảo trì. Sở GTVT Phú Thọ là chủ đầu tư tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện bảo trì theo kế hoạch giao.
Năm 2010, cầu được sửa chữa lan can cầu, mặt cầu, khe co giãn; năm 2013, cầu được thay dầm nhịp bê tông cốt thép, thay khe co giãn; năm 2018, cầu được xử lý trụ chống va xô; năm 2019 cầu được xử lý xói lở trụ T6, T7; năm 2023 cầu được thực hiện sửa chữa sơn kết cấu nhịp dầm thép, khe co giãn.
Theo Cục Đường bộ Việt Nam, đến thời điểm xảy ra sự cố cầu Phong Châu, Cục không nhận được báo cáo về dấu hiệu không bảo đảm an toàn đối với công trình cầu.