Theo Bộ GTVT, cơ cấu tỷ trọng chi phí một chuyến bay của các hãng hàng không Việt Nam như sau: nhiên liệu bay chiếm từ 37-42%; sửa chữa, bảo dưỡng máy bay chiếm từ 32-41%; phục vụ mặt đất, điều hành bay… chiếm 6-7%; các chi phí còn lại chiếm từ 16-19%.
Trong đó, có tới 80% chi phí có liên quan gốc ngoại tệ. Giai đoạn hiện nay, tỷ giá USD/VNĐ đang duy trì ở vùng đỉnh lịch sử (tỷ giá bán 1 USD = 25.470 VNĐ), tăng 7,45% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 10,25% so với giai đoạn cùng kỳ năm 2021.
Ngoài biến động tỷ giá, giá vé máy bay của các hãng hàng không Việt Nam còn tăng theo xu hướng chung trên thế giới, do chịu tác động bởi các nguyên nhân sụt giảm quy mô đội máy bay khai thác, tăng giá nhiên liệu bay, nhu cầu đi lại trong dịp cao điểm tăng…
Từ đầu năm 2024 đến nay, giá vé trung bình hạng phổ thông trên một số đường bay (giá đã bao gồm thuế, phí) của các hãng hàng không Việt Nam đều tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Bộ GTVT đã tổ chức các đoàn kiểm tra hoạt động bán vé của các hãng hàng không Việt Nam. Bộ GTVT ghi nhận giá vé cao nhưng các hãng vẫn thực hiện đúng quy định về mức giá tối đa đối với hạng phổ thông cơ bản trên đường bay nội địa.
Để góp phần giảm áp lực về giá vé máy bay, Bộ GTVT đang tiếp tục thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp nhằm bảo đảm ổn định lực lượng vận tải hàng không để cung ứng phù hợp, cân đối tải trên các đường bay.
Cụ thể, ngành hàng không điều chỉnh thời gian hoạt động khai thác, giảm thời gian quay đầu máy bay để chuyển tiếp chặng bay, tối ưu hóa thời gian khai thác máy bay trong ngày, tăng cường thêm các chuyến bay đêm… Các giải pháp được triển khai đã bù đắp một phần lượng tải cung ứng thiếu hụt do sụt giảm đội máy bay.
Bộ GTVT cũng sẽ tiếp tục giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá theo quy định pháp luật, cũng như khuyến cáo hành khách sớm có kế hoạch đặt mua vé để có nhiều cơ hội lựa chọn với những mức giá vé phù hợp.