Theo phương án 1, Bộ GTVT đề xuất xóa bỏ trạm thu phí T2 và tiếp tục thu phí tại trạm thu phí T1 trên Quốc lộ 91. Phương án này có ưu điểm là nhà nước không phải bố trí kinh phí để thanh toán cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên, phương án 1 không khả thi, không giải quyết dứt điểm tồn tại dự án do chỉ thu phí tại trạm T1 không bảo đảm doanh thu theo hợp đồng đã ký dẫn đến phá vỡ phương án tài chính và không thể hoàn vốn.
Theo phương án 2, Bộ GTVT đề xuất chấm dứt hợp đồng trước hạn, nhà nước bố trí vốn ngân sách để thanh toán cho nhà đầu tư, xóa bỏ trạm thu phí T1 và T2 trên Quốc lộ 91.
Phương án này khả thi, giải quyết triệt để các tồn tại, vướng mắc của dự án, đáp ứng các quy định của hợp đồng và pháp luật PPP. Tuy nhiên, nhà nước cần bố trí vốn ngân sách khoảng hơn 1.800 tỷ đồng để thanh toán cho nhà đầu tư để chấm dứt hợp đồng trước hạn, xóa bỏ trạm thu phí T1 và T2 trên Quốc lộ 91.
Giá trị nêu trên được xác định sơ bộ đến thời điểm thanh toán dự kiến ngày 31-12-2022. Giá trị chính thức sẽ được kiểm toán xác định chính xác sau khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận.
So sánh ưu, nhược điểm của từng phương án, để phù hợp với hợp đồng đã ký kết, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng dịch vụ, giải quyết triệt để các tồn tại, vướng mắc, Bộ GTVT kiến nghị giải pháp xử lý theo phương án 2.
Trước đó, vào tháng 5-2017, nhiều người dân, các phương tiện đã dừng xe tại trạm thu phí trên Quốc lộ 91, gây mất ATGT, an ninh, trật tự, ách tắc giao thông.
Khi thông xe cầu Vàm Cống vào tháng 5-2019, các phương tiện đi từ tỉnh Đồng Tháp sang tỉnh An Giang theo Quốc lộ 80 phải đi qua trạm thu phí T2 đã phản ứng, cản trở việc thu phí gây mất an ninh trật tự khu vực trạm thu phí T2.
Trước tình hình đó, nhà đầu tư đã phải dừng thu phí tại trạm T2 từ ngày 25-5-2019. Việc không được thu phí tại trạm T2 và chỉ thu phí tại trạm T1 dẫn đến không bảo đảm doanh thu thu phí hoàn vốn và phương án trả nợ theo phương án tài chính dự án. Năm 2020, doanh thu đạt 50% và năm 2021 còn 36% so với phương án tài chính dự án.