Theo Bộ GTVT, dự án có 11 gói thầu xây lắp gồm: Đoạn 1 phía Tây (gói thầu A1-A4) sử dụng vốn vay ADB, đoạn 2 (gói thầu J1-J3) sử dụng vốn vay JICA; đoạn 3 phía Đông (gói thầu A5-A7) sử dụng vốn vay ADB.
Trong đó, gói thầu A1-1 sản lượng đạt 15,66%, chậm khoảng 22,57%. Gói thầu A2.2-4 chưa hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu.
Gói thầu J1 sản lượng đạt 77,29%, chậm khoảng 7,77% so với kế hoạch. Hiện một số nội dung tồn tại về kỹ thuật và các chi phí dừng chờ, tái huy động của gói thầu chưa xử lý dứt điểm. Gói thầu J3 đã tổ chức đấu thầu nhưng không có nhà thầu quan tâm dự thầu.
Các gói thầu A6-1, A6-2, A6-3 và A6-4 sản lượng đạt 16%-45%, chậm 61%-70%, thời gian thi công chỉ còn khoảng 1-4 tháng. Gói thầu A7 sản lượng đạt 82,95%, chậm khoảng 18,05%.
Để đẩy nhanh tiến độ thi công, Bộ GTVT yêu cầu chủ đầu tư là Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) chỉ đạo các nhà thầu tập trung huy động nhân lực, máy móc thiết bị để đẩy nhanh tiến độ thi công với các gói thầu đoạn phía Đông, đảm bảo yêu cầu thông xe trong quý 3-2024 và hoàn thành toàn bộ đoạn tuyến phía Đông trong quý 4-2024.
Với gói thầu J1, Bộ GTVT yêu cầu VEC và Ban Quản lý dự án các đường cao tốc phía Nam lập tổ công tác có đủ thẩm quyền để trực tiếp xử lý dứt điểm các vướng mắc, đồng thời chỉ đạo nhà thầu khẩn trương huy động đầy đủ thiết bị, nhân sự đáp ứng năng lực, đẩy nhanh tiến độ thi công.
Riêng gói thầu J3, Bộ GTVT yêu cầu VEC khẩn trương làm việc với nhà tài trợ JICA và các bộ, ngành liên quan thực hiện thủ tục điều chỉnh thỏa thuận vay để nhà thầu Việt Nam có thể tham gia với tư cách nhà thầu độc lập.
Đồng thời, VEC cần chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, khẩn trương hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu để hoàn thành toàn bộ đoạn tuyến phía Tây trong quý 1-2025.
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành là dự án quan trọng quốc gia do VEC làm chủ đầu tư với tổng chiều dài 57,8km, trong đó, đi qua tỉnh Long An 2,7km; TPHCM 26,4km và Đồng Nai 28,7km.
Dự án có tổng vốn đầu tư 31.320 tỷ đồng từ nguồn vốn vay hơn 25.000 tỷ đồng và vốn đối ứng gần 5.690 tỷ đồng.
Sau khi hoàn thành, dự án được kỳ vọng giúp kết nối khu vực Đông Nam bộ và miền Tây.