Như tin đã đưa, mới đây dư luận đã rất bức xúc với clip dài gần 1 phút 40 giây ghi lại cảnh học sinh Trường THPT Thực hành Sư phạm (thuộc ĐH Cần Thơ) chơi trò tập thể mang tên "chuyền thẻ qua mặt".
Dư luận cho rằng, trò chơi được thực hiện theo cách thức một học sinh nằm xuống đất đặt tấm thẻ lên môi, học sinh khác giới sẽ nằm đè lên người nằm dưới, đồng thời đặt môi lên tấm thẻ, cả hai sẽ lăn một vòng để giữ cố định sao cho tấm thẻ không rơi xuống… là phản cảm, không phù hợp với môi trường giáo dục.
Trước thông tin này, Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD-ĐT cho biết Trường Đại học Cần Thơ và Sở GD-ĐT Cần Thơ đã có báo cáo bước đầu về vụ việc. Trường THPT Thực hành Sư phạm tổ chức trò chơi này vào ngày 19-8. Một học sinh của trường quay clip nhằm lưu giữ kỷ niệm. Sau đó, học sinh này đăng tải lên mạng xã hội để chia sẻ với bạn bè, với nhận thức đây là hoạt động vui chơi bình thường của học sinh.
Quan điểm của Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên là Trường THPT Thực hành Sư phạm (ĐH Cần Thơ) đã thiếu nghiên cứu kỹ lưỡng khi vận dụng trò chơi của một số nước vào trong hoạt động này. Đồng thời, việc tổ chức thực hiện không đúng, máy móc, quản lý lỏng lẻo, thiếu giám sát chặt chẽ khi tổ chức trò chơi để đảm bảo tính giáo dục, công tác tổ chức trò chơi chưa đạt yêu cầu.
“Tất cả các trò chơi (trên mạng và trực tiếp) cũng như các hoạt động liên quan đến học sinh, sinh viên mang tính chất nhạy cảm, bạo lực… không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, tâm sinh lý lứa tuổi, mục tiêu giáo dục toàn diện người học đều không được tổ chức trong các cơ sở giáo dục”, Bộ GD-ĐT cho biết.
Vì vậy, để xảy ra vụ việc trên, trách nhiệm trước hết thuộc về ban giám hiệu, Đoàn Trường THPT Thực hành Sư phạm. Bộ GD-ĐT đã yêu cầu Trường ĐH Cần Thơ, Sở GD-ĐT Cần Thơ kiểm tra, xác minh vụ việc, làm rõ mức độ vi phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan, xử lý nghiêm theo quy định và báo cáo Bộ trước ngày 30-8.
Trao đổi với báo chí, ông Trần Văn Minh - Hiệu trưởng Trường THPT Thực hành Sư phạm (ĐH Cần Thơ) cho biết, vào đầu mỗi năm học, nhà trường có kế hoạch sinh hoạt tập thể, trong đó có nội dung tổ chức trò chơi liên hoàn để các em làm quen với môi trường mới, nhất là các em học sinh lớp 10 mới vào học.
Năm nay trường tổ chức chơi vào ngày chủ nhật (19-8), kế hoạch tổ chức được chuẩn bị từ trước, với các quy định, thể lệ trò chơi cụ thể. Ban Giám hiệu đã xem qua, duyệt và giao cho Đoàn trường triển khai. Nội dung của buổi sinh hoạt gồm có nhiều trò chơi liên hoàn, chia thành 4 trạm (mỗi trạm có các hoạt động, phần việc cụ thể). Sự việc hình ảnh học sinh chơi bị phản ánh trên mạng nằm ở trạm 3, với trò chơi “Chuyển thẻ bằng mặt”. Nội dung trò chơi này có 2 người chơi (1 người nằm xuống để thẻ ở bất cứ nơi nào trên mặt) và cách chơi là 2 người áp mặt vào nhau, lăn qua một vòng sau đó chuyền cho người khác để mang thẻ đến đích sớm. Theo quy định của nhà trường từ ban đầu là nam chơi với nam, nữ chơi với nữ.
"Khi tiến hành trò chơi, đến trạm 3 các lớp ùa vào rất đông (hơn 400 học sinh), khi đó ban tổ chức không giám sát được hết. Do các em quá vui nên các em nam và nữ chơi chung với nhau dẫn đến những hình ảnh chưa phù hợp", đại diện trường này cho biết.
Khi trò chơi triển khai, một học sinh khối lớp 10 có quay lại clip với mục đích ban đầu là vui, để kỷ niệm cùng các bạn. Sau đó em học sinh này đưa clip lên mạng để chia sẻ với bạn bè. Đã có một số ý kiến trên mạng thông tin vụ việc cường điệu, suy diễn như: em nào không chơi sẽ bị hạ hạnh kiểm; bắt buộc tất cả các em phải chơi; nhà trường kỷ luật em học sinh quay clip tung lên mạng… “Đây là thông tin bịa đặt, sai sự thật”, ông Minh khẳng định.
Nhưng nhà trường cũng thừa nhận, trò chơi này chưa phù hợp với học sinh và nhà trường sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Qua vụ việc này, Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh sinh viên đề nghị lãnh đạo các cơ sở đào tạo, các sở GD-ĐT trên toàn quốc tăng cường chỉ đạo các phòng ban liên quan, cán bộ Đoàn, cán bộ lớp nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu tham mưu tổ chức hiệu quả các hoạt động đầu năm học mới 2018-2019. Các trường cần tăng cường tổ chức các diễn đàn, tọa đàm, hoạt động câu lạc bộ cho học sinh, sinh viên về các kỹ năng sống, kiến thức pháp luật để các em khai thác hiệu quả, ứng xử phù hợp... |