Bộ GD-ĐT tiếp tục đề nghị bổ sung biên chế ngành giáo dục giai đoạn 2026 - 2030

Ngày 17-7, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Thành Long làm việc với lãnh đạo chủ chốt Bộ GD-ĐT về tình hình GD-ĐT.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long làm việc với lãnh đạo chủ chốt Bộ GD-ĐT
Phó Thủ tướng Lê Thành Long làm việc với lãnh đạo chủ chốt Bộ GD-ĐT

Báo cáo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, về kết quả thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục, để chuẩn bị triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 5, lớp 9, lớp 12, Bộ GD-ĐT đã hoàn thành thẩm định và phê duyệt danh mục sách giáo khoa.

Đồng thời chỉ đạo các Sở GD-ĐT, các nhà xuất bản và các đơn vị liên kết tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên sử dụng sách giáo khoa lớp 5, lớp 9, lớp 12 và cung ứng đầy đủ, kịp thời, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chậm, thiếu sách giáo khoa năm học 2024-2025.

z5641091341577954c2dbb88b0957b97ec4fdacb4dd949.jpg
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn

Một trong những nhiệm vụ đã và đang được Bộ GD-ĐT gấp rút triển khai là xây dựng và hoàn thiện dự thảo hồ sơ dự án Luật Nhà giáo để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5-2025).

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Bộ GD-ĐT tích cực phối hợp với Bộ Nội vụ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện tuyển dụng giáo viên bảo đảm đủ số biên chế được cấp; hoàn thiện và trình Chính phủ lập đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Tính đến tháng 4-2024, cả nước tuyển dụng được 19.474 giáo viên trong tổng số 27.826 biên chế được bổ sung.

Tuy nhiên, việc triển khai các nhiệm vụ của Bộ GD-ĐT trong 6 tháng đầu năm 2024 vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên cục bộ tại hầu hết các địa phương; tình trạng thiếu phòng học tại các khu vực có mật độ dân cư cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; đầu tư cho giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới, phát triển GD-ĐT (tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực GD-ĐT chưa bảo đảm tỷ lệ tối thiểu 20%); việc thực hiện tự chủ đại học còn chậm, lúng túng.

Bộ trưởng bày tỏ mong muốn có được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng, giúp ban hành chính sách phù hợp, giảm được thấp nhất rủi ro trong giai đoạn chuyển đổi. Cùng với đó, quan tâm đến chính sách tài chính trong giáo dục, vì nếu không đầu tư kinh phí ráo riết sẽ tăng nguy cơ bất bình đẳng trong giáo dục vì hiện vẫn còn gần 20% trường học chưa được kiên cố hóa. Các cơ sở giáo dục đại học không được quan tâm đầu tư đúng mức cũng khó có thể đáp ứng được nhu cầu nhân lực, đổi mới, sáng tạo, KHCN để đáp ứng sự bứt tốc của nền kinh tế…

Bộ GD-ĐT cũng đề xuất, kiến nghị lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ GD-ĐT nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền tiếp tục đề nghị bổ sung biên chế ngành giáo dục giai đoạn 2026-2030 đáp ứng quy mô phát triển trường, lớp, học sinh bảo đảm nguyên tắc “có học sinh phải có giáo viên đứng lớp”.

Cùng với đó, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép tuyển dụng giáo viên có trình độ cao đẳng của một số môn học đặc thù (tiếng Anh, Tin học, Nghệ thuật…) giải quyết vấn đề thiếu nguồn tuyển giáo viên các môn học này.

Bộ GD-ĐT kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính thực hiện phân bổ ngân sách nhà nước cho lĩnh vực GD-ĐT đảm bảo tối thiểu 20% trong tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm của cả nước theo đúng tinh thần của Luật Giáo dục 2019. Ưu tiên cân đối nguồn vốn ngân sách trung ương chi sự nghiệp GD-ĐT, nhất là kinh phí thực hiện các Đề án phát triển các cơ sở giáo dục đại học tại các vùng trên toàn quốc; bố trí ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương để thực hiện đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho giáo dục phổ thông…

Tin cùng chuyên mục