Bộ GD-ĐT sẽ xem xét, cân nhắc vấn đề xét tuyển sớm

Ngày 9-8, phát biểu tại hội nghị giáo dục đại học (GDĐH) năm 2024 diễn ra tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, chủ đề hội nghị lần này bàn chủ yếu xoay quanh từ khóa “chất lượng”.

“Chủ đề hết sức cũ, nhưng còn theo chúng ta lâu dài, đó là câu chuyện chất lượng. Điểm nhấn là chất lượng, vấn đề đầu tiên cần bàn là chất lượng, cần thảo luận kỹ là chất lượng và vấn đề cần lưu ý trong thời gian tới cũng là chất lượng. Chúng ta thực hiện và tăng cường tự chủ cũng vì chất lượng, đổi mới cũng vì chất lượng”, Bộ trưởng nói.

ừ trái qua phải ảnh Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Nguyễn Thu Thủy..jpg
Chủ trì hội nghị, từ trái qua phải: Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy

Theo Bộ trưởng, rất nhiều thách thức lớn đang đặt ra với GDĐH Việt Nam. Đầu tiên là thách thức về sự cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu đối với hệ thống GDĐH. Đó là cạnh tranh ngày càng gay gắt trong thu hút giảng viên, thu hút người học, cạnh tranh xếp hạng, thu hút đầu tư và cả ảnh hưởng xã hội. Việt Nam hiện có hơn 200.000 học sinh đang du học nước ngoài và chúng ta chấp nhận cạnh tranh, coi đó là điều đốc thúc phát triển, đổi mới, gia tăng chất lượng.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị..jpg
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị

Cùng với đó là thách thức của sự kỳ vọng lớn, sự giao phó, trông đợi của Đảng, Nhà nước, nhân dân, doanh nghiệp, xã hội đặt ra với GDĐH ngày càng lớn. Kỳ vọng ngày càng lớn là một áp lực. Tiếp đến là thách thức của việc cung cấp nguồn nhân lực ngày càng nhiều, đa dạng và yêu cầu chất lượng ngày càng cao cho một nền kinh tế có nhiều điểm đặc thù như kinh tế của Việt Nam. “Kinh tế Việt Nam có tỷ trọng doanh nghiệp FDI chiếm một phần rất lớn. Các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư ở Việt Nam phần nhiều là lĩnh vực mới, hoặc không có sẵn ở Việt Nam. Câu hỏi của họ là có nhân lực không và chúng ta bao giờ cũng đặt ở tình thế bất lợi là nhân lực không đáp ứng yêu cầu", Bộ trưởng nói.

Do đó, GDĐH Việt Nam cần nhận thức đầy đủ thách thức đáp ứng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp FDI, thách thức đào tạo nhân lực công nghệ bán dẫn, công nghệ mũi nhọn vừa qua là ví dụ. “Nếu đáp ứng được nhân lực vi mạch bán dẫn, chúng ta sẽ xóa được góc nhìn không tốt của xã hội là đào tạo không đáp ứng nhu cầu - tạo dựng được niềm tin mới với xã hội, cần vượt qua được thách thức này”, Bộ trưởng chia sẻ với các trường đại học.

Riêng về công tác tuyển sinh, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, GDĐH đang đứng trước thách thức đổi mới công tác tuyển sinh để phù hợp với toàn bộ đổi mới từ giáo dục phổ thông đến GDĐH. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có nhiều đổi mới. Các trường đại học cần có trách nhiệm hơn với giáo dục phổ thông. “Việc chúng ta xét tuyển sớm có tác động tiêu cực với giáo dục phổ thông ở giai đoạn cuối cùng của cấp học này, nên thời gian tới cần xem xét. Các cháu xét trúng tuyển sớm sẽ không học nữa trong học kỳ 2; các trường đại học chỉ yên tâm cho số sẽ vào trường mình, số còn lại để tuyển sinh sẽ rất ít, điểm chuẩn lên rất cao, tạo ra sự bất công bằng trong cơ hội được vào các trường đại học tốt của thí sinh. Bộ GD-ĐT sẽ cân nhắc để đưa vào định hướng tuyển sinh của năm sau”, Bộ trưởng nêu ý kiến.

Bộ trưởng cũng lưu ý không nên quá nhiều phương án xét tuyển, càng đơn giản càng tốt, thuận tiện cho học sinh, cho xã hội. “Các đại học tự chủ cao trong vấn đề tuyển sinh nhưng không có nghĩa thích làm gì thì làm. Tự chủ là tự chủ trong khuôn khổ các quy định. Vì việc này, Bộ GD-ĐT có thể gia tăng một số khung, chế tài để điều tiết tuyển sinh năm sau. Tự chủ nhưng phải đề cao trách nhiệm xã hội”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

2.jpg
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, thời gian tiếp theo, GDĐH cần tập trung vào chất lượng, chuyển từ số lượng sang chất lượng, bởi vì chỉ có duy trì và nâng cao chất lượng thì chúng ta mới tiếp tục nâng cao được số lượng. Vừa qua, số lượng quy mô tuyển sinh đảm bảo, chứng tỏ niềm tin của xã hội đối với GDĐH tăng lên. “Không lo về số lượng, nguồn tuyển trong thời gian tới là dồi dào, trách nhiệm của chúng ta là đảm bảo chất lượng, từ đó nâng cao tư duy của người học, từ hình thức chuyển sang thực chất và hiệu quả”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nêu. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên.

Về công tác tuyển sinh, Thứ trưởng giao Vụ GDĐH khẩn trương phối hợp để có dự thảo quy chế tuyển sinh năm 2025 sớm nhất, làm sao đơn giản hóa, đảm bảo chất lượng cũng như công bằng cho thí sinh. Các trường thực hiện tự chủ nhưng không được có tác động xấu tới giáo dục phổ thông, mà cần phải có tác động tích cực hơn đối với giáo dục phổ thông; cần quan tâm đến tuyển sinh đa dạng cũng như tuyển sinh sớm hiện nay...

Tin cùng chuyên mục